Hậu Giang sắp có dự án điện gió 'khủng': Cân nhắc thế nào?
Ngành công thương phải đánh giá tỷ lệ phân bổ các dự án điện, giảm bớt các loại hình điện gây bất lợi cho kinh tế, xã hội
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng nhà đầu tư liên quan đến dự án nhà máy điện gió Long Mỹ 1. Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Công ty TNHH Điện gió Việt Năng Hậu Giang (là công ty liên danh giữa Công ty Envision Energy (Hongkong) Limited và Công ty Envision Energy Viet Soc Wind Power Investment Limited) là nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện gió Long Mỹ 1.
Hậu Giang sắp có dự án điện gió hơn 3 nghìn tỷ. Ảnh minh họa. |
Dự án có công suất thiết kế 100MW; đấu nối bằng đường dây 220kV mạch kép về trạm 220kV Cà Mau - Ô Môn. Sản lượng điện (dự kiến) 291.377 MWh/năm. Công nghệ áp dụng là tua-bin gió biến động năng của gió thành cơ năng quay máy phát điện để chuyển thành điện năng… Tổng vốn đầu tư (dự kiến) 3.220 tỷ đồng.
Nêu quan điểm về việc này, TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, quyết định thực hiện dự án phải căn cứ trên tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII.
Vị chuyên gia cho biết, về mặt chủ trương, Quy hoạch điện VIII có đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng sạch.
Riêng với quy hoạch ngành điện khu vực ĐBSCL, thì đến năm 2025, có thêm 3 nhà máy điện than (sử dụng than nhập khẩu) với công sất 3.600 MW; 3 nhà máy điện mặt trời và 3 nhà máy điện gió với công suất hơn 546 MW.
Như vậy, xét theo chủ trương là theo xu hướng tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo và giảm bớt nhiệt điện than (than nhập khẩu). Đây là xu hướng đúng đắn. Vấn đề là tính toán, cân đối sản lượng giữa các loại hình điện thế nào để không dẫn tới tình trạng sản xuất ồ ạt, dư thừa lãng phí, trong khi hệ thống truyền tải lại không đáp ứng được, đầu tư tốn kém nhưng không hiệu quả.
Theo vị chuyên gia, dù phát triển điện gió, điện tái tạo hay nhiệt điện than đều có những bất cập riêng.
Với điện tái tạo hiện nay dù đang là xu hướng nhưng cũng có khó khăn liên quan tới chuyên môn, kỹ thuật. Nhất là liên quan tới những khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện ở thời điểm cao - thấp điểm. Trong khi đặc điểm của điện tái tạo là không ổn định, rất khó điều tiết.
Tiếp theo là hệ thống truyền tải. Hệ thống truyền tải hiện đang bị quá tải, nếu xây dựng nhà máy thì phải tính tới cả yếu tố đồng bộ với hệ thống truyền tải, nếu không cũng gây lãng phí, bất cập, không hiệu quả.
Do đó, cần phải tính toán, cân nhắc rất thận trọng khi xác định phân bổ các dự án cũng như sản lượng điện giữa các loại hình điện năng để xây dựng quy hoạch cho hài hòa, hiệu quả.
Theo đó, ông Lâm kiến nghị cần xem xét mấy vấn đề sau: Thứ nhất, cân đối tỷ lệ điện năng giữa năng lượng tái tạo với nhiệt điện. Việc này phải do Bộ Công thương tính toán, điều chỉnh, bổ sung vào Đề án Quy hoạch Điện VIII dự kiến trình lại vào tháng 6/2021. Thủ tướng quyết định sẽ xem xét quyết định.
Thứ hai, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hệ thống vận hành đường lưới điện.
Thứ ba, phải xem xét đánh giá lại năng lực hệ thống truyền tải.
Thứ tư, là yếu tố giá thành.
"Dựa trên các yếu tố đã đặt ra, Quy hoạch điện VIII sẽ thảo luận và xem xét cụ thể những vấn đề trên.
Riêng với ĐBSCL hiện, đã có tới 9 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt đạt 5.499 MW; 1 nhà máy điện từ chất thải đô thị; 1 nhà máy điện gió; 9 nhà máy phát điện từ chất thải nông nghiệp và 8 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 700 MW. Như vậy, ngành công thương phải đánh giá lại xem tỷ lệ phân bổ các dự án điện như vậy đã hợp lý hay chưa? Nếu thêm dự án điện gió thì có cần giảm bớt các dự án nhiệt điện than hay không?
Trong trường hợp phát triển loại hình điện nào có lợi hơn cho phát triển xã hội, kinh tế, cho đời sống, sức khỏe của người dân thì phải ưu tiên lựa chọn.
Đồng thời với đó cũng nên cương quyết giảm bớt những dự án gây bất lợi tới kinh tế, vận hành, kể cả an ninh hệ thống. Không nên cố đưa dự án vào để sau đó lại gây khó khăn cho vận hành lại gặp khó khăn hoặc loại bỏ dự án chưa thuyết phục để người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.
Cần quyết định lựa chọn dự án dựa trên lợi ích chung của toàn hệ thống chứ không nên chỉ đứng trên góc độ lợi ích của một vài địa phương, hay doanh nghiệp", ông Lâm nêu quan điểm.