Diễn biến tiếp đáng ngờ Công ty Heineken Việt Nam “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”?
TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ vụ án người lao động khởi kiện Công ty Heineken Việt Nam “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Theo người lao động, kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ có nhiều điểm cần làm rõ.
Ông Lợi cho biết bản thân ký hợp đồng lao động và làm việc tại Tổ xe nâng thuộc kho vận tại Quận 12, Nhà máy bia Heineken Việt Nam từ năm 2005. Đến ngày 04/5/2020, ông Lợi và những công nhân khác bất ngờ khi nhận được thông báo đến nhà máy họp với nội dung sẽ chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 22/6/2020 đối với 40 nhân viên lái xe nâng, với lý do thay đổi cơ cấu. Số lượng công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động được Công ty bia Heineken Việt Nam chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp thứ 3 là Công ty Cung ứng Dịch vụ Lao động Le&Associate.
Sau đó, ông Lợi và nhiều công nhân gửi đơn thư cho lãnh đạo công ty, các cơ quan quản lý, hỗ trợ người lao động... nhưng đều không thay đổi được kết quả. Tiếp đó, ông Lợi cùng 6 công nhân quyết định nộp đơn khởi kiện Công ty Heneken Việt Nam lên Toà án Nhân dân (TAND) Quận 1 (TP Hồ Chí Minh).
Ngày 13/10/2020, TAND Quận 1 ra thông báo số 854/2020/TB-TA về việc thụ lý vụ án với nội dung: Thụ lý hồ sơ lao động sơ thẩm số 157/2020/LĐ-ST về việc “tranh chấp đơn phương hợp đồng lao động” theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Lợi.
Trong quá trình theo đuổi vụ kiện, ông Lợi đã gửi thêm đơn yêu cầu “xem xét thẩm định tại chỗ” (ngày 09/10/2020), đơn đề nghị “giải quyết yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ” (ngày 01/12/2020) và đơn kiến nghị “về việc yêu cầu của đương sự không được xem xét giải quyết” (ngày15/4/2021).
Trong quá trình thụ lý, ngày 1/12/2021, TAND quận 1 đã ra Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ số: 6390/2021/QĐ-XXTĐTC về việc xem xét, thẩm định quy trình làm việc của đội xe nâng hiện nay tại kho thành phẩm, kho bãi sắp xếp hàng hóa của Nhà máy bia Heineken Việt Nam có địa chỉ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 22/12/2021 việc xem xét, thẩm định tại chỗ được thực hiện. Qúa trình xem xét, thẩm định tại chỗ diễn ra tại 4 khu vực: Khu vực xuất nhập hàng thành phẩm, khu vực bãi vỏ, khu vực lưu trữ hàng hóa sau sản xuất và khu vực sản xuất của Nhà máy bia Heineken Việt Nam.
Quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ, các nguyên đơn xác nhận các khu vực nêu trên là vị trí làm việc trước đây của nguyên đơn; về phương tiện làm việc (xe nâng), địa điểm làm việc, hàng hóa vận chuyển, cung đường vận chuyển vẫn giống với trước khi bị Heineken Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động.
Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng đưa ra ý kiến, tại 4 khu vực xem xét, thẩm định vẫn diễn ra hoạt động bốc dỡ hàng hóa. Riêng đại diện Công đoàn Heineken Việt Nam không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Sau khi có kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, phía các nguyên đơn cho biết, theo như phương án sử dụng lao động ngày 24/4/2020 của Công ty gửi đến Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh thì “…, hầu hết các Công ty đều đã chuyển đổi sang dịch vụ thuê ngoài cho hoạt động xếp dỡ hàng hoá, nhằm giảm độ phức tạp trong quản lý, tập trung vào số hoá nâng cao, tận dụng đầy đủ lợi thế của dịch vụ thuê ngoài để có thể thích ứng với biến động nhu cầu cao và nâng cao năng suất…”.
Do đó, cần phải xem xét, thẩm định về chất lượng làm việc của đội ngũ mới này tại kho Heineken để xác định những nhân viên lái xe nâng được thuê ngoài như hiện nay đã thực hiện tốt hơn các công việc mà trước đây họ đã từng thực hiện hay không? Và năng suất công việc có cao hơn không?
Theo ông Lợi, kết quả ghi nhận được từ buổi xem xét, thẩm định thì có thể thấy bản chất của việc thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động này là thay đổi về người sử dụng lao động sẽ giao kết hợp đồng lao động với những người lao động tại bộ phận xếp dỡ hàng hoá (vị trí lái xe nâng); đồng thời quan trọng nhất là thay đổi chênh lệch giảm về mức lương, chế độ, phúc lợi mà họ đã có từ trước do Heineken Việt Nam chi trả.
Ngoài ra, trong quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ, người lao động có cung cấp thêm thông tin, tại bộ phận xếp dỡ hàng hoá có vị trí công việc (không cụ thể tên vị trí) nhưng những người này sẽ hỗ trợ bóc hàng từ kho thành phẩm ra khu vực xuất nhập hàng để giúp những lái xe nâng bóc hàng lên xe. Lái xe không phải trực tiếp vào kho hàng để bóc, giúp tiết kiệm thời gian cho lái xe và sẽ vận chuyển được nhiều hàng hơn.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc chưa ghi nhận nội dung này. Do đó, người lao động đề nghị cần phải làm rõ có hay không vị trí công việc khác tại bộ phận này? Và vì sao Heineken không bố trí người lao động phụ trách vị trí này mà cho nghỉ hết với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động? Phương án sử dụng lao động có đề cập đến nội dung này không?
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, Luật sư Võ Tấn Lộc - Luật sư Thành viên Công ty Luật Long Phan PMT (đơn vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động) nêu quan điểm: Theo quy định pháp luật lao động, trong suốt quá trình thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, vai trò của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, cụ thể là Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam là vô cùng quan trọng, vì căn cứ theo khoản 3 Điều 44 BLLĐ năm 2012 (nay là khoản 6 Điều 42 BLLĐ năm 2019) có quy định: “Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở …”, nghĩa là nếu không có ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thì không thể thực hiện nội dung này.
Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, người lao động, Công đoàn cơ sở công ty đã thực hiện góp ý về phương án sử dụng lao động, việc bố trí lại nhóm nhân viên này như thế nào? Cần có đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để làm rõ hơn về việc phương án tái sử dụng lao động đã được công ty xây dựng chi tiết, cụ thể như thế nào?
Và sự có mặt của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà thể hiện sự khách quan của vụ tranh chấp, làm sáng tỏ các tình tiết chưa rõ của vụ tranh chấp. Tuy nhiên, vì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở của Heineken Việt Nam không có ý kiến gì trong suốt quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ nên cần phải tiến hành triệu tập đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Nhà máy bia Heineken Việt Nam tham gia với tư cách là người có liên quan đến vụ tranh chấp”.