Điện khí LNG : Bánh ngon vào tay nhà đầu tư ngoại?
Nhiệt điện khí ở Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư ngoại với hàng loạt dự án nhà máy điện khí và hạ tầng LNG quy mô đồ sộ.
Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn. Đáng chú ý nhất là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, tại Long An do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd làm chủ đầu tư.
Sức hấp dẫn của nhiệt điện khí tại Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại là rất lớn. Năm 2020, Delta Offshore Energy Pte.Ltd đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án điện khí Bạc Liêu, quy mô 4 tỷ USD.
Ngoài hai cái tên VinaCapital và Delta Offshore Energy Pte.Ltd, còn có Exxon Mobil lên kế hoạch đầu tư đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, đồng thời mong muốn được đầu tư vào dự án điện khí LNG Hải Phòng, quy mô 4.500 MW, vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.
Tập đoàn Gulf (Thái Lan) cũng từng đề xuất đầu tư Dự án Điện khí LNG Cà Ná (Ninh Thuận), với quy mô 6.000 MW, vốn đầu tư 7,8 tỷ USD. Cũng tại Cà Ná, vào cuối năm 2018, Tập đoàn Total đã ký thỏa thuận với UBND tỉnh Ninh Thuận về việc nghiên cứu phát triển Tổ hợp Dự án Điện khí Cà Ná.
Nhóm nhà đầu tư ngoại, gồm Energy Capital Việt Nam (ECV), Excelerate Energy (Mỹ) và KOGAS (Hàn Quốc) đã cam kết phát triển dự án điện khí 5 tỷ USD ở Bình Thuận. AES (Mỹ) thì muốn đầu tư Điện khí Sơn Mỹ 2. Còn Tokyo Gas và Marubeni đã tham gia một liên doanh do PV Power đứng đầu để phát triển dự án LNG Quảng Ninh...
Sự phát triển của các dự án điện khí tại Việt Nam còn tạo cơ hội cho các nhà cung cấp tuabin khí và các thiết bị khác liên quan trong suốt vòng đời hoạt động của một nhà máy điện khí, như General Electric, Mitsubishi...
Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện khí có mức độ phát thải thấp hơn nhiều so với nhà máy nhiệt điện than, không cần tới những thiết bị để khử bụi, lọc khói phức tạp như điện than, chất thải cũng đáp ứng các điều kiện về môi trường tốt hơn so với nhiệt điện than.
Chính vì thế, LNG được kỳ vọng là nguồn năng lượng linh hoạt, sạch hơn than, và có thể chạy phủ đỉnh, giúp cân bằng hệ thống cho các nguồn năng lượng tái tạo kém ổn định.
Trung tâm Điện lực Phú Mỹ. Ảnh: Báo Đầu tư |
Việc các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án điện khí tại Việt Nam, theo vị chuyên gia, trước tiên xuất phát từ chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nêu rõ: “Phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng khí trong nước. Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Quy hoạch Điện VIII cũng dự kiến không bổ sung thêm các dự án nhiệt điện than mới.
Nếu như việc khai thác, chế biến khí hóa lỏng mang lại lợi ích vừa phải thì theo GS Trần Đình Long, các nhà máy điện khí sẽ giúp cho nhà đầu tư có lợi nhuận tốt hơn. Sản phẩm khi khai thác lên phải tính toán xem tiêu thụ chỗ nào. Thường thì phương án kinh tế nhất, tiết kiệm chi phí vận chuyển là khai thác lên rồi tiêu thụ tại chỗ ở ngay tại một nhà máy điện khí LNG, hoặc khu công nghiệp sử dụng loại nhiên liệu này.
"Đây là lợi ích cho cả hai phía - phía khai thác, kinh doanh khí hóa lỏng và những cơ sở sử dụng loại nhiên liệu này, nhất là nhà máy điện khí", ông Long nói.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp khí trong nước có hạn, về lâu dài, Việt Nam vẫn xác định phải nhập khẩu LNG khi phát triển các dự án điện khí, kéo theo việc phải đầu tư hệ thống kho cảng với quy mô không hề nhỏ. Những chi phí này sẽ đè nặng lên giá điện.
"Nhà đầu tư phải tính đến đầu ra với tất cả các phương án. Tiện nhất là bán cho EVN, nhưng có thể khẳng định giá điện khí sẽ không hề rẻ", vị chuyên gia cho biết. Trên thế giới, nhiều ý kiến đều đồng thuận rằng chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn, trong khi điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG.
Không lo mất "bánh", chỉ lo năng lực nhà đầu tư
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam là hết sức bình thường, bởi đã là nhà đầu tư thì rất nhạy cảm với thị trường và lợi nhuận.
"Chúng ta không phải lo mất "miếng bánh" điện khí bởi hiện nay cũng có rất nhiều công ty, tập đoàn tư nhân trong nước quan tâm đến lĩnh vực này, họ rất nhạy cảm về mặt kinh tế.
Năng lượng tái tạo là một ví dụ, chỉ cần giá mua điện gió, điện mặt trời cao hơn một chút lập tức các nhà đầu tư đổ xô vào. Vậy nên, trong khi Nhà nước không đầu tư bao nhiêu vào năng lượng tái tạo thì các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, tham gia rất nhiệt tình.
Đối với nhiệt điện khí cũng vậy, vì lợi nhuận nên nhà đầu tư tư nhân Việt Nam đã có sự quan tâm đáng kể", GS Trần Đình Long đánh giá.
Minh chứng cho điều này có thể thấy một số doanh nghiệp trong nước, vốn đã xây dựng được danh mục dự án điện gió, điện mặt trời đáng kể, giờ đang tiếp tục hy vọng nhân rộng thành công trong lĩnh vực LNG. Tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná (Ninh Thuận) công suất 1,5 GW đã được ký giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam. Đây là tập đoàn đã phát triển nhiều dự án điện mặt trời và điện gió tại Ninh Thuận.
Trong khi đó, T&T Group cũng quan tâm đến nhiều dự án lớn như Cái Mép Hạ, tổ hợp dự án phát điện LNG trị giá 6 tỷ USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu; nhà máy điện LNG Sơn Mỹ 3 & 4 với tổng công suất 3GW tại Bình Thuận và nhiều dự án khác.
Tập đoàn VinGroup thì nhận được sự chấp thuận của chính quyền TP Hải Phòng để xây dựng dự án nhà máy điện khí LNG tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,9 tỷ USD.
Cũng cho ý kiến về việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện khí ở Việt Nam, một chuyên gia năng lượng lưu ý rằng, để nâng cao tính khả thi về kinh tế của các dự án điện khí LNG, cần lựa chọn đúng đối tác có tiềm năng thực sự.
Theo vị chuyên gia, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, "khuyến khích các dự án nhiệt điện đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy". Trong khi đó, trên thực tế, có những chủ đầu tư dự án điện khí không tự có nguồn LNG, phải đi mua để bán lại cho Việt Nam, đặc biệt là các đối tác từ các nước đang và sẽ phải nhập khẩu nguồn nhiên liệu này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đưa ra tiêu chí đánh giá để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất.
Nguồn cung khí LNG từ đâu?
Đánh giá về nguồn cung cấp khí trong nước, theo Quy hoạch Điện VIII, dự kiến sau năm 2025, sản lượng khí cung cấp cho điện sẽ giảm dần, đặc biệt là đến năm 2030 và 2035. Giai đoạn 2035-2045, nguồn cung khí cho điện chỉ còn nguồn khí miền Trung (Cá Voi Xanh và Báo Vàng) và nguồn khí Lô B.
Khu vực Đông Nam Bộ cần phải bù khí cho các hộ tiêu thụ từ LNG nhập khẩu từ năm 2023. Khu vực Tây Nam Bộ, khí Lô B chỉ đủ cấp cho Trung tâm Điện lực Ô Môn (3800MW), phần khí của các mỏ nhỏ có sản lượng và số năm khai thác thấp, chỉ có thể đảm bảo cho phụ tải ngoài điện hoặc xem xét bù khí cho Nhiệt điện Cà Mau (giảm mua khí từ Malaysia), không đủ để cấp thêm cho Nhiệt điện Kiên Giang (đã có trong QHĐ VII ĐC).
Khu vực miền Trung, khí Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy đã được quy hoạch tại Dung Quất và Chu Lai với tổng công suất 5x750MW, khí Báo Vàng đủ cấp cho Nhiệt điện khí Quảng Trị (340MW) và 1 số phụ tải ngoài điện.
Mỏ Kèn Bầu mới được phát hiện tại lô 114 (gần Quảng Trị) hiện nay chưa có thông số cụ thể về thành phần khí, việc quyết định khai thác sẽ được khẳng định sau khi có kết quả mũi khoan thứ 3 vào năm 2021, nên đề án sẽ xem xét tính toán riêng một phương án phát triển điện lực có sự xuất hiện của nguồn điện sử dụng khí mỏ Kèn Bầu. Tại kịch bản cơ sở không đưa các nguồn điện sử dụng khí Kèn Bầu vào cân đối.
Quan điểm của Quy hoạch Điện VIII là sẽ ưu tiên phát triển các công trình điện sử dụng khí trong nước. Khi xuất hiện khoảng 4 GW - 6 GW nguồn điện khí Kèn Bầu tại khu vực tỉnh Quảng Trị, sẽ xem xét thay thế nhu cầu xây dựng các nguồn điện nhập khẩu than và LNG của kịch bản cơ sở tại khu vực.
Về nhập khẩu LNG, đơn vị tư vấn soạn thảo Quy hoạch Điện VIII đánh giá, nước ta có khả năng nhập khẩu LNG từ Australia, Quata, Mỹ do hiện nay đây là những nước xuất khẩu LNG lớn nhất và có kế hoạch tăng thêm sản lượng xuất khẩu, trong dài hạn cần xem xét nhập khẩu thêm từ Nga và các nước Trung Đông.
"Việc tạo nhiều nguồn nhập khẩu LNG là cần thiết nhằm nâng cao an ninh cung cấp nhiên liệu. Mặc dù tiềm năng khí thế giới rất lớn (khí băng cháy) nhưng vẫn trong giai đoạn nghiên cứu khả năng khai thác, trữ lượng khí đã được chứng minh có thể khai thác là không lớn, chỉ có thể khai thác trong 50 năm nữa với mức tiêu thụ hiện tại, trong khi nhu cầu khí thế giới ngày càng tăng. Do vậy, cần sớm xây dựng hạ tầng nhập khẩu LNG và các nguồn điện sử dụng LNG", đơn vị tư vấn đề xuất.