DN nội khó khăn, nhà đầu tư ngoại đổ gần 2 tỷ USD vào Việt Nam
Tính đến cuối tháng 5/2024, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với gần 1,98 tỉ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Điều này được cho là đến từ sự hấp hẫn của thị trường BĐS Việt Nam, bất chấp những khó khăn trước mắt của thị trường.
Theo báo cáo của Cục đầu tư Nước ngoài, tính đến 20/05/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ.
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm có thể kể đến như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc (đại lục), Hàn Quốc, các quốc gia này chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 74% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đây đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á.
Lý giải nguyên nhân dòng vốn ngoại dành sự “ưu ái” cho lĩnh vực bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng để đầu tư. Sức hấp dẫn của thị trường trong nước đến từ các lợi thế như dân số, tỷ lệ đô thị hóa, hạ tầng hoàn thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Phân khúc nào được hưởng lợi?
Các nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất, được dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2024.
Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS), tính đến nay hiện Việt Nam đang có 418 Khu công nghiệp được thành lập, trong đó 298 khu đã đi vào hoạt động. Quý I/2024, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp rất lớn và có xu hướng tăng. Cụ thể về giá đất khu công nghiệp tăng ổn định từ 8-12%/ năm, còn giá thuê miền Bắc trung bình 135 USD/m2, miền Nam trung bình đạt 188 USD/m2/ chu kỳ thuê. Tỷ lệ lấp đầy đạt 75%, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82%, các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
Trong khi đó, bất động sản thương mại và văn phòng không ghi nhận nguồn cung mới, nhưng điểm sáng là nhiều giao dịch thuê diện tích lớn lên đến 10.000m2. Cụ thể tại Hà Nội nguồn cung đạt 2,1 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy 85%, giá thuê trung bình hạng A từ 25 – 50 USD/m2, hạng B trung bình 15 USD/m2. Còn tại Hồ Chí Minh, có 2,7 triệu m2 nguồn cung, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%, gía thuê hạng A nhỉnh hơn Hà Nội ở mức 35-70 USD/m2, hạng B đạt từ 20-35 USD/m2/ tháng.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield chia sẻ: “Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đã trở nên vô cùng hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Sự tăng trưởng của miền Bắc là do khả năng tiếp cận tuyệt vời thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc, và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai.
Bà Trang cũng nêu 2 lý do khiến cho phân khúc BĐS Khu công nghiệp và thương mại văn phòng được ưu ái “rót”vốn ngoại. Đầu tiên, hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư và xu hướng dịch chuyển từ các nhà sản xuất lớn đến từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…, như một phần trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng các doanh nghiệp toàn cầu. Thứ hai, ngành sản xuất miền Bắc đang tiến lên chuỗi giá trị cao hơn sau khi đón nhận lượng đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử và công nghệ cao. Riêng các KCN ở miền Nam có thể ghi nhận sự phục hồi kỹ thuật từ mức nền thấp trong năm 2023, với các DN thuê đất công nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất như dệt may, gỗ, da giày, logistics và thực phẩm, đồ uống.
“Miền Bắc đã và đang có nhiều dự án công nghiệp xanh và số lượng các dự án xanh tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, thì đã có tới 67% dự án trong đó là loại hình thuộc bất động sản công nghiệp”, bà Trang cho biết thêm.
Trong nghiên cứu tóm lược thị trường BĐS của Savills quý I/2024 chỉ rõ, các hoạt động cho thuê diễn ra sôi động trong Q1/2024. Các khách thuê nhóm ngành công nghệ thông tin chiếm nhiều diện tích nhất với 71% diện tích giao dịch cho thuê. Theo sau là khách thuê thuộc ngành Sản xuất với 17% và Luật với 12%. Việc chuyển dịch văn phòng chiếm phần lớn giao dịch cho thuê, và hầu hết khách thuê ưa chuộng khu vực nội thành nơi có những dự án mới với chất lượng cao, giá thuê phù hợp và vị trí gần khu vực trung tâm.
“Với nguồn cung Hạng A mới, dự kiến sẽ tăng trong thời gian sắp tới, giá thuê sẽ tiếp tục cạnh tranh”, Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp Cao, Bộ Phận Cho Thuê Thương Mại, Savills Hà Nội nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn pháp lý, ThS Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý BĐS lưu ý thêm, các vướng mắc về pháp lý thị trường bất động sản Việt Nam đang dần được tháo gỡ khi Quốc hội đã đồng ý cho phép Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn khoảng 5 tháng so với kế hoạch ban đầu (01/01/2025). Cùng với đó, công tác đầu tư công được đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Đồng thời, ông Đỉnh cũng chia sẻ thêm rằng, Luật Đất đai sửa đổi quy định tại điều 4, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Và sự sửa đổi của Luật Đất đai lần này còn giúp hạn chế các tranh chấp dân sự nảy sinh do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên; tuy nhiên người đứng tên lại đem bán, trục lợi cá nhân.
“Thông tin này sẽ giúp thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh tế trong lĩnh vực bất động sản”, ThS Nguyễn Văn Đỉnh nói thêm.