DN Việt xin tài trợ lập quy hoạch ở Vũng Áng:Ủng hộ
Theo chuyên gia, việc doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch giúp việc xây dựng quy hoạch nhanh gọn hơn, doanh nghiệp có căn cứ để triển khai dự án.
Một doanh nghiệp vừa có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép doanh nghiệp này tài trợ Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh trong việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho phân khu công nghiệp nặng CN4, CN5 trong quy hoạch chung của Khu kinh tế Vũng Áng - nơi doanh nghiệp này đang triển khai làm dự án nhà máy ô tô kết hợp cảng biển rộng 2.000ha.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Luật Quy hoạch 2017 nêu rõ “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch”.
Điều quan trọng là cần xác định rõ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tếcó thể tham gia đến mức độ nào, liệu có khả năng tác động đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước theo hướng có lợi cho những chủ thể tham gia vào hoạt động quy hoạch hay không.
Đối với đề xuất tài trợ lập quy hoạch ở Khu kinh tế Vũng Áng của doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng nên ủng hộ. Ông nhắc lại câu chuyện diễn ra cách đây gần 20 năm, cũng đã có trường hợp tương tự. Khi ấy, Hà Nội đang định lập quy hoạch hệ thống các cửa hàng bán xăng dầu, một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này đã bày tỏ mong muốn được tham gia cùng bằng cách tài trợ lập quy hoạch. Thời điểm đó, Hà Nội đã có kế hoạch lập quy hoạch này, nhân lực cũng đã có, chỉ chờ kinh phí và kế hoạch triển khai.
Tuy nhiên, sau nhiều lần họp, Hà Nội đã từ chối đề xuất của doanh nghiệp bởi lo ngại quy hoạch đúng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, nếu cho phép doanh nghiệp tham gia thì rất có thể họ sẽ tìm cách làm lợi cho họ, mất tính khách quan.
Việc không thành, và PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ, vấn đề này tế nhị ở chỗ: thường thì việc xây dựng quy hoạch đã có chủ trương, nhưng triển khai ì ạch, có khi chậm vài năm là chuyện bình thường do đòi hỏi phải có đầy đủ các điều kiện như kinh phí, kế hoạch, chương trình cụ thể, rõ ràng... Cũng chính vì thế mà nhiều khi quy hoạch không kịp thời. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn có quy hoạch sớm để lấy đó làm căn cứ triển khai dự án.
Cho nên, vấn đề này tùy ở từng địa phương, nếu xét thấy giữa lợi ích của doanh nghiệp không thể lấn át được, có định hướng rõ ràng thì có thể cân nhắc để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động quy hoạch ở mức độ nhất định.
"Yêu cầu tham gia vào hoạt động quy hoạch của doanh nghiệp để thúc đẩy nhanh quy hoạch, để doanh nghiệp có căn cứ triển khai dự án là chính đáng. Nguyên tắc là cần có sự bàn bạc, thống nhất, xem xét thấu đáo trên cơ sở luật định, doanh nghiệp có thể tham gia vào hoạt động quy hoạch đến đâu, làm sao để đảm bảo doanh nghiệp không đưa lợi ích riêng của mình vào trong quy hoạch chung, không làm lệch định hướng chung. Còn trong trường hợp lợi ích riêng của doanh nghiệp phù hợp với lợi ích chung thì càng tốt", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.
Cho nên, trở lại với đề xuất của doanh nghiệp muốn tài trợ Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh trong việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho phân khu công nghiệp nặng CN4, CN5 trong quy hoạch chung của Khu kinh tế Vũng Áng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, doanh nghiệp cần làm việc cụ thể với tỉnh, nếu thấy đôi bên cùng có lợi thì quyết định. Bản thân doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng, nếu để chậm trễ thì có thể khiến họ lỡ mất thời cơ. Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện quy hoạch nhanh gọn hơn, sớm hơn, và khi đã có quy hoạch rồi thì doanh nghiệp có căn cứ để triển khai dự án.
Sau cùng, vị chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp Việt tham gia vào việc lập quy hoạch ở Khu Kinh tế Vũng Áng là tốt.
"Đối với những doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam đủ tiềm lực, trình độ chuyên môn và quản lý tốt thì Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ vào càng nhiều càng tốt, không nên để doanh nghiệp tự bơi. Thay vì ưu đãi quá nhiều về đất đai, thuế... cho các dự án của doanh nghiệp FDI để rồi cuối cùng họ mua đi bán lại, hay chuyển giá, làm thất thoát tài sản của nhà nước thì nên ủng hộ những doanh nghiệp Việt làm thật, điều này giúp tăng cường nội lực của nền kinh tế Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.