Xin chuyển rừng phòng hộ làm Nhiệt điện BOT Vũng Áng II
Trong tổng diện tích 24,42ha rừng xin chuyển đổi có 9,95ha rừng phòng hộ; 9,31ha rừng sản xuất và 5,16ha ngoài Quy hoạch 3 loại rừng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II.
Theo tờ trình, diện tích có rừng cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án là 24,42ha, thuộc 4 khoảnh - 3 tiểu khu (9,95ha rừng phòng hộ; 9,31ha rừng sản xuất và 5,16ha ngoài Quy hoạch 3 loại rừng) nằm trên địa bàn hành chính xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh - thị xã Kỳ Anh do cộng đồng thôn quản lý 1,08ha; hộ gia đình quản lý 23,34ha.
Hiện trạng là rừng trồng, loài cây phi lao, keo, bạch đàn.
Đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, UBND tỉnh Hà Tĩnh dẫn báo cáo thẩm định của Sở TN-MT ngày 29/6/2021 cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II tại thị xã Kỳ Anh phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thị xã Kỳ Anh và phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thị xã Kỳ Anh.
Bên cạnh đó, theo các quyết định của UBND tỉnh, diện tích đưa vào khảo sát, đánh giá tài nguyên rừng vùng chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án phù hợp với số liệu Công bố hiện trạng rừng tỉnh Hà Tĩnh năm 2020; phù hợp với số liệu điều chỉnh quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II đã được Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam thẩm tra ngày 30/7/2010, thể hiện khi thực hiện dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, cụ thể:
Nhà máy điện BOT Vũng Áng II khi vận hành sẽ đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải điện đang tăng của Việt Nam (sản lượng điện trung bình năm khoảng 8,529GWh). Ngoài ra, dự án cũng giúp tăng tỷ trọng nhiệt điện trong hệ thống điện quốc gia, góp phần ổn định điện cung cấp cho nền kinh tế.
Việc đầu tư dự án có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội đối với thị xã Kỳ Anh nói riêng, tỉnh nhà nói chung, như: Trong thời gian xây dựng, dự án sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho doanh nghiệp xây dựng trong địa phương và cả nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, ước tính lượng lao động phục vụ xây dựng dự án khoảng 4.000 - 5.000 người.
Khi dự án đi vào vận hành ổn định sẽ tạo việc làm cho một bộ phận lao động địa phương (ước tính số lượng cán bộ, công nhân viên là 286 người), tăng thu ngân sách cho tỉnh từ đóng thuế (nộp thuế nội địa trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 300 tỷ đồng/năm), thúc đẩy đáng kể sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Kỳ Anh và của tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng áng II đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3055/QĐ-BTNMT ngày 08/10/2018.
Theo đó, các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đã được nêu rõ trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
UBND tỉnh Hà Tĩnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 24,42 ha rừng nêu trên sang thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II, làm cơ sở để các cơ quan liên quan triển khai các nội dung tiếp theo về thủ tục, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đảm bảo đúng quy định.
Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II do Công ty Cổ phần nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO) làm chủ đầu tư được xây dựng với mục tiêu tăng công suất nguồn phát từ nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu phát điện vào mùa khô.
Đây là nhà máy nhiệt điện đốt than với tổng công suất lắp máy 1.320 MW, tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, đầu tư theo hình thức BOT tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ngày 2/3/2009, Chính phủ đồng ý cho Công ty VAPCO phát triển dự án nhiệt điện Vũng Áng II theo hình thức BOT gồm 3 cổ đông với tỷ lệ góp vốn: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hồng Kông) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.
Đến tháng 9/2011, LILAMA chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nêu trên cho REE. Tháng 8/2012, Công ty VAPCO chỉ còn 2 cổ đông chính là REE và One Energy.
Trong đó, REE nắm giữ 51,55% cổ phần và One Energy nắm giữ 48,45% cổ phần. Tháng 4/2018, REE tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty VAPCO cho One Energy.
Tuy nhiên, cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại 40% cổ phần tại Nhiệt điện Vũng Áng II. Hiện tại, "ông lớn" Mitsubishi cùng với 1 doanh nghiệp ngành điện của Nhật Bản đang nắm giữ 60% cổ phần còn lại tại VAPCO.