Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án

Bên cạnh việc phê duyệt chủ trương đầu tư, địa phương cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 9 dự án.

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành quỹ nhà thuộc tài sản công, bao gồm quỹ nhà ở, quỹ nhà không để ở và trụ sở trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024, phê duyệt chủ trương đầu tư, và điều chỉnh một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.

Nghị quyết này cũng cập nhật và điều hòa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời tiếp tục sử dụng vốn vay lại từ nguồn vốn ODA để triển khai hai dự án liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND thành phố, chủ trương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 dựa trên số vốn Trung ương đã giao chính thức. Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, trình Thành ủy để thông qua, sau đó HĐND sẽ quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2024 nhằm bảo đảm kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với kế hoạch tài chính.

Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án
Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án

Tại kỳ họp này, HĐND cũng phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và điều hòa kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, HĐND thành phố đã phân bổ vốn trung hạn cho các dự án được phê duyệt, đồng thời chấp thuận đưa ra khỏi danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 năm dự án, trong đó có Khu công nghiệp Sóc Sơn và dự án Bảo tồn phục dựng hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, HĐND thành phố cũng cho phép ba quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, và Bắc Từ Liêm sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho đầu tư phát triển năm 2024 với tổng số tiền là 836,7 tỷ đồng. Đồng thời, hai quận Đống Đa và Nam Từ Liêm được phép hỗ trợ ba huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Sơn Tây với tổng kinh phí 66,5 tỷ đồng để triển khai ba dự án.

HĐND thành phố cũng thông qua danh mục và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện tại ba quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, và Thường Tín. Kế hoạch vốn năm 2024 sẽ tiếp tục được bố trí cho các dự án đầu tư công cấp thành phố và cấp huyện theo quy định của Luật Đầu tư công.

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng vốn vay lại từ nguồn vốn ODA cho dự án này và dự án hỗ trợ quản lý tuyến đường sắt đô thị.

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng vốn vay lại từ nguồn vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng vốn vay lại từ nguồn vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Về Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công, HĐND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án (24 dự án nhóm B và 1 dự án nhóm C) và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 9 dự án (1 dự án nhóm A và 8 dự án nhóm B).

Đồng thời, HĐND TP. Hà Nội đã bổ sung hai loại dịch vụ vào danh mục dịch vụ sự nghiệp công: quản lý vận hành quỹ nhà ở thuộc tài sản công và quản lý vận hành quỹ nhà không để ở và trụ sở. Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý chuyên ngành được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp.

HĐND thành phố giao UBND triển khai thực hiện Nghị quyết này, rà soát và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai, nếu gặp vướng mắc cần điều chỉnh, UBND Thành phố sẽ báo cáo HĐND để giải quyết.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Trần Hợp Dũng cho biết, nội dung bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc trách nhiệm của nhiều Sở, ngành, và UBND các quận, huyện. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm, phạm vi quản lý của các đơn vị liên quan.

UBND Thành phố cần làm rõ các loại quỹ nhà và áp dụng đúng theo quy định của luật chuyên ngành, tránh chồng chéo và trùng lặp trong công tác quản lý. Trường hợp có nhiều dịch vụ với tính chất khác nhau, UBND cần trình HĐND danh mục chi tiết tương ứng.

Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.

Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống