Doanh nghiệp bất động sản dần đuối sức

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ có 23% doanh nghiệp trả lời chỉ duy trì được hoạt động đến hết quý III/2023, và có khoảng 43% doanh nghiệp sẽ trụ được đến hết năm 2023.

 

Doanh nghiệp bất động sản dần đuối sức - Ảnh 1
 

Doanh nghiệp bất động sản ngày càng “đuối sức”

Cụ thể, tại báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam”, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố hôm vào ngày 6/6 mới đây, đã cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của thị trường địa ốc.

VARS cho biết, trong suốt thời gian dài, kể từ đầu năm 2022, dù Chính phủ liên tục công bố các giải pháp “giải cứu” thị trường, nhưng các chính sách vẫn chưa thực sự đến được với doanh nghiệp.

Theo đó, hiện tại ác doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để “ngoi lên”.

Minh chứng cho điều này là theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm có khoảng 554 doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường, con số này tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó chỉ có 1.744 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Về doanh thu, tính riêng trong quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

Chính những khó khăn trên đã buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm các tự cứu mình, tái cơ cấu lại doanh nghiệp từ việc cắt giảm các chi phí đến nguồn nhân lực.

Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31/12/2022) cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II/2022.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, khi lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm khi số doanh nghiệp giải thể tăng cao sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực liên quan cũng như sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong giai đoạn đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản đã đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi phương án kinh doanh cũng như quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu nhỏ quy mô đầu tư sản xuất, tối giản lực lượng lao động...

Nhận định về bối cảnh thị trường hiện nay, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, hiện nay vấn đề không chỉ nằm ở giải pháp phục hồi thị trường, mà còn ngăn chặn những rủi ro từ thị trường tài chính. Từ đó, cần triển khai sớm những quyết định đã được ban hành.

Ngoài ra, vấn đề về pháp lý cũng như nguồn vốn hiện đã khiến hàng loạt dự án phải dừng triển khai. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc này để các dự án được tiếp tục hoàn thiện thì dòng tiền sẽ trở lại. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng và mang lại giá trị cao của thị trường.

Môi giới bất động sản “rụng như sung”

Số liệu từ VARS cũng chỉ ra, đối với đội ngũ môi giới bất động sản, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước, không có bất cứ trường hợp nào ngoại lệ. Cụ thể, số lượng môi giới hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Và việc giảm nhân sự này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Doanh nghiệp bất động sản dần đuối sức - Ảnh 2
Môi giới bất động sản đang hoạt động trên thị trường còn rất ít (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý bên cạnh môi giới phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống thì cũng không ít môi giới bị sa thải, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản nên cũng rời doanh nghiệp. Trong khi đó, môi giới bám trụ với nghề cũng phải đa dạng lĩnh vực, kiếm việc làm thêm…

Về thu nhập, kết quả khảo sát của VARS chỉ ra có tới 95% môi giới giảm thu nhập, trong đó có những người giảm trên 70%.

Tuy vậy một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ gắn bó với nghề, dù thị trường có khó khăn.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển