Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở”
Theo Hội môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài.
Báo cáo chuyên đề về thực trạng sức khỏe thị trường BĐS Việt Nam do VARS vừa công bố cho biết, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài. Thậm chí có doanh nghiệp như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên.
“Động lực sống khiến các doanh nghiệp BĐS vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào”, báo cáo của VARS phản ánh.
Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở”.
Theo VARS, sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.
Về thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS, tình trạng khó khăn đến từ hai chiều - giống như 1 chốt chặn đầu và 1 chốt chặn sau, khiến cho các doanh nghiệp không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”.
Dữ liệu khảo sát của VARS với các sàn giao dịch hội viên ghi nhận cá biệt một số ít doanh nghiệp chuyển mô hình kinh doanh sang mảng cho thuê mang lại mức doanh thu tốt, thậm chí tăng 200% so với quý 1/2022 và 150% so với cuối năm 2022.
Về lực lượng môi giới BĐS, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới BĐS trở thành “làn sóng càn quét” trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tại khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới BĐS hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới BĐS phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống) và bị động (do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…).
Số môi giới BĐS bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm. Lượng bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn. 100% trong số đó mong muốn thời gian này được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nắm vững chuyên môn, đồng thời có thêm các kỹ năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.
Thông qua cuộc khảo sát của VARS cho thấy, phần lớn các môi giới BĐS chuyên nghiệp, có ý thức gắn bó với nghề đều xác định cần thi chứng chỉ môi giới.
Tuy nhiên, do một số lý do như địa phương chưa tổ chức thi sát hạch, đã tham gia thi nhưng chưa đạt… nên số lượng môi giới có chứng chỉ mới dừng lại ở mức khá khiêm tốn, chiếm khoảng 35% số lượng môi giới tham gia khảo sát.
Sức khỏe yếu của các doanh nghiệp BĐS đã ảnh hưởng gián tiếp tới doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp “tứ giác liên thông” (bao gồm bảo hiểm - ngân hàng - chứng khoán – BĐS). Khó khăn của thị trường BĐS nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hệ lụy xấu đến các lĩnh vực còn lại và cả nền kinh tế .
“Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành BĐS thay đổi giảm 10% thì GDP sẽ giảm 1,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,9%. Tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,4%); du lịch (giảm 0,3%); dịch vụ khác (giảm 0,3%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,2%)…”, báo cáo của VARS nhận định.