Doanh nghiệp bất động sản “đau đầu” với cơn “khát” vốn

Dòng vốn rót vào bất động sản được xem là nguồn sống của các doanh nghiệp, việc các nguồn dẫn vốn chính bị “tắt nghẽn” khiến việc huy động vốn càng trở nên khó khăn hơn. Điều này sẽ tác động ra sao đến thị trường?

Tính thanh khoản của thị trường bất động sản hiện đang diễn ra chậm, những nguồn vốn chính của thị trường hiện nay bao gồm nguồn vốn kinh doanh, vốn vay tín dụng, trái phiếu cổ phiếu, vốn từ khách hàng và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Nhưng hiện tại tất cả các nguồn đều trở nên khó tiếp cận, nhất là dòng vốn tín dụng khi thông tin siết vốn tín dụng được đề xuất.

Doanh nghiệp bất động sản “đau đầu” với cơn “khát” vốn - Ảnh 1

Thị trường bất động sản trước cơn “dư chấn” siết vốn

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam những tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ đạt 2,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,24% so với thời điểm đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Trong đó, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng 35%. Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng dành cho kinh doanh bất động sản không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỉ trọng.

Ngân hàng kiểm soát vốn tín dụng làm cho thị trường bất động sản vốn đã yên ắng lại thêm trầm lắng hơn. Nhiều quan điểm cho rằng việc siết vốn sẽ làm chậm tiến độ hoặc ngưng triển khai nhiều dự án khiến nguồn cung vốn đã không đủ nay càng khan hiếm hơn, một điều tất yếu xảy ra khi “cầu tăng cung giảm” là giá bất động sản tiếp tục “leo thang”.

Bên cạnh đó, những lĩnh vực, ngành nghề liên quan và việc làm của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng, làm chậm quá trình khôi phục kinh tế sau đại dịch. Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường thanh tra, kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng ở lĩnh vực bất động sản, mặc dù Ngân hàng Nhà nước nói vẫn cho vay bất động sản bình thường nhưng trên thực tế các doanh nghiệp rất khó khăn để tiếp cận vốn ở các ngân hàng thương mại. Những vấn đề tiêu cực của thị trường bất động sản như tình trạng thổi giá, gây sốt ảo, đấu giá với giá cao,.. đã ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng vào lĩnh vực này.

Tính thanh khoản của thị trường bất động sản hiện đang diễn ra chậm  
Tính thanh khoản của thị trường bất động sản hiện đang diễn ra chậm  

Trông chờ vào đâu?

Vấn đề pháp lý và nguồn vốn luôn là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp. Để có thể hoàn thành phần nền móng và các thủ tục pháp lý cần nhờ vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng việc ngân hàng chậm giải ngân, thậm chí còn ngưng giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản càng khiến doanh nghiệp “chới với”. Việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại khi hành lang pháp lý chưa ổn do thủ tục dự án kéo dài.

Vì vậy, tìm kiếm nguồn vốn hiện đang là vấn đề nan giải nhất của các doanh nghiệp, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án không thể thi công, dẫn đến không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhà đầu tư.

Trước đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực các doanh nghiệp huy động nguồn vốn rất lớn qua kênh trái phiếu. Đến nay, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tháng 4/2022 cho thấy, trong tháng không có đợt phát hành trái phiếu nào ra công chúng và riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản.

Tổng dư nợ cho thị trường bất động sản theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt của các tổ chức tín dụng 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế; tỷ lệ nợ xấu là 1,62% chỉ ở mức bình thường so với quy mô của nền kinh tế. Thực tế, trong hơn 2,28 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng bất động sản, ngân hàng đang kiểm soát chặt dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực này, khoảng 785.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa dòng vốn vào bất động sản để thay thế nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp cận huy động vốn từ các quỹ đầu tư, hoạt động mua bán - sáp nhập, tìm vốn từ dự án liên danh khơi thông nguồn vốn và giảm rủi ro cho thị trường.

Theo Chất lượng và Cuộc sống