Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn khó làm sản phẩm giá trị gia tăng cao
Việc khách hàng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam làm những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có trình độ công nghệ cao không chỉ đơn giản là câu chuyện của bàn tay thị trường mà cần sự thỏa thuận, đàm phán của Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chưa làm được toàn bộ cụm linh kiện
Theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong vài năm trở lại đây, năng lực của doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam tiến bộ rất nhiều. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của chính bản thân DN trong việc tận dụng cơ hội thị trường.
Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các dự án nước ngoài cũng rất nỗ lực hỗ trợ các DN CNHT của Việt Nam. Bản thân VASI cũng đã tham gia rất nhiều chương trình đó. VASI đánh giá các chương trình hỗ trợ của các bên khá hiệu quả trong việc nâng cao năng lực của DN CNHT cũng như kết nối với người mua tiềm năng trong nước và trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, năm nay là một năm khá khó khăn với DN. Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng giảm rất nhiều do kinh tế toàn cầu suy thoái. Tuy vậy, những DN nào có thêm khách hàng mới trong năm vừa rồi hoặc năm ngoái thì tình hình không đến nỗi thê thảm. Có khách hàng mới, DN sẽ bù được vào những đơn hàng bị mất.
Mặc dù vậy, từ quý III/2023 trở đi, đơn hàng của các DN trong ngành bắt đầu khá hơn. Do đó, chúng ta hoàn toàn hi vọng, những năm tới tình hình phát triển của ngành CNHT sẽ là bức tranh tươi sáng.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa sản xuất được toàn bộ cụm linh kiện.
Điều đáng lưu ý, hầu hết các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng hiện nay của Việt Nam chỉ sản xuất được linh kiện rời hoặc gia công một số công đoạn nhất định, chứ không làm được toàn bộ cụm linh kiện theo yêu cầu của khách hàng.
Vào thời điểm này, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước thứ 3 rất nhiều, tìm đơn hàng nhiều nhưng hầu hết các đơn hàng yêu cầu là gia công phải tương đối hoàn chỉnh. Trong khi đó, DN Việt Nam chưa đủ tầm để đáp ứng yêu cầu này.
Gần đây, một số DN có kinh nghiệm, có quy mô và phát triển tốt bắt đầu có xu thế đầu tư thêm để có thể sản xuất được cả cụm linh kiện, ít nhất là lắp ráp, thậm chí trở thành người mua trong chuỗi, chứ không phải là người bán nữa.
"Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, kể cả DN có thể làm được cả cụm linh kiện thì cũng không phải là cụm linh kiện quan trọng nhất mà khách hàng yêu cầu. Những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất họ thường giữ cho "khách ruột" hoặc những công ty trên toàn cầu có kinh nghiệm, trình độ hơn hẳn DN Việt Nam", bà Bình nêu.
Việc khách hàng đề nghị DN Việt Nam làm những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có trình độ công nghệ cao như vậy thì không chỉ đơn giản là câu chuyện của bàn tay thị trường mà cần sự thỏa thuận, đàm phán của Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia để hỗ trợ DN.
"Chúng ta cần sự tham gia của Chính phủ vào vấn đề này thì mới có sự thay đổi về chất. Nếu để DN tự làm thì mãi mãi chúng ta chỉ có thể làm đến được cụm linh kiện ở mức độ nhất định, còn những sản phẩm có giá trị gia tăng cao - điều mà Chính phủ và các bên kỳ vọng thì khó có thể làm được", bà Bình nói.
Chính sách chưa thực sự đi vào đời sống
Đánh giá về chính sách của Nhà nước, Chính phủ đối với các DN CNHT, bà Bình cho rằng, khung chính sách của Chính phủ Việt Nam rất tốt nhưng sự tiếp cận của DN còn hạn chế, còn rất nhiều vấn đề để chính sách đi vào đời sống.
Chẳng hạn như việc xác nhận là DN CNHT đến thời điểm này không thay đổi được nhiều bởi vì quy trình phức tạp. Những quy định liên quan đến thuế trong 15 năm mà rất nhiều DN đã thành lập lâu rồi, bây giờ xin miễn thuế, giảm thuế TNDN sẽ không đáng bao nhiêu nên DN cũng không muốn làm.
Còn những chính sách hỗ trợ đặc biệt khác hầu như không có chính sách nào thực sự hiệu quả, chỉ có các chương trình hỗ trợ thì hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025.
Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.
"Tuy vậy, những chính sách ở tầm vĩ mô thì có thể nói là thực sự chưa đi vào đời sống", Phó Chủ tịch VASI nhấn mạnh.