Hơn 1,5 tỷ cổ phiếu 'khớp lệnh' sau thông tin về thuế đối ứng Việt - Mỹ

Thanh khoản đột biến trở thành chỉ dấu cho thấy nhà đầu tư vẫn đang “ở lại” với thị trường, dù tâm lý ngắn hạn có phần thận trọng trước các biến số mới từ chính sách quốc tế.

Mặc dù ghi nhận đà tăng khá tích cực trong phiên sáng, thị trường chứng khoán Việt Nam không giữ được sắc xanh cho đến cuối ngày. Chốt phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số VN-Index giảm 2,63 điểm, lùi về mức 1.381,96 điểm. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với chỉ số VN30, khi mất 1,56 điểm so với tham chiếu, dù có thời điểm trong phiên tăng gần 8 điểm.

Điểm đáng chú ý trong phiên là thanh khoản toàn thị trường tăng vọt, đạt mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE vượt 33.000 tỷ đồng, HNX đạt khoảng 2.580 tỷ đồng, còn UPCoM ghi nhận xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Tính chung cả ba sàn, tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt 38.500 tỷ đồng, với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu được sang tay.

Nổi bật nhất trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Dù thị trường chung điều chỉnh, nhóm này vẫn duy trì đà tăng và trở thành tâm điểm hút dòng tiền. Trong đó, VIX là cái tên gây ấn tượng mạnh khi tăng trần, với khối lượng khớp lệnh vượt 125,4 triệu đơn vị. Các mã cùng ngành như VND, SSI, HCM, VCI, SHS… cũng ghi nhận thanh khoản vượt mức trung bình, dao động từ 10 đến 50 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, các nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, dệt may và thủy sản đồng loạt suy yếu trong phiên chiều. Áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến nhiều mã quay đầu giảm sâu. Tại nhóm khu công nghiệp, các mã như KBC, SIP, SZC, PHR, BCM… giảm từ 2% đến 6%.

Cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục lao dốc trong phiên chiều
Cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục lao dốc trong phiên chiều

Nhóm thủy sản với VHC, ANV, IDI, CMX… mất từ 4% đến 5%. Các cổ phiếu dệt may như TNG, VGT, TCM… cũng lao dốc từ 2% đến 5% khi kết phiên.

Giao dịch khối ngoại ghi nhận điểm sáng hiếm hoi, khi nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua ròng mạnh với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng. Các cổ phiếu được gom nhiều nhất gồm SSI (432 tỷ đồng), MWG (294 tỷ đồng), CTG (147 tỷ đồng), IDC (140 tỷ đồng)... phản ánh tâm lý lạc quan của dòng vốn ngoại giữa lúc thị trường rung lắc.

Dù VN-Index không thể giữ sắc xanh, dòng tiền vẫn hoạt động mạnh – đặc biệt thể hiện qua thanh khoản đột biến trong phiên. Theo nhận định của Chứng khoán Asean, chỉ số này nhiều khả năng sẽ tiếp cận vùng kháng cự tâm lý quan trọng 1.390–1.400 điểm trong ngắn hạn.

Công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có nền tảng hỗ trợ tốt và ít chịu ảnh hưởng từ các biến số như thuế quan, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ và đầu tư công.

Tuy vậy, trong bối cảnh VN-Index đang tiến sát vùng mục tiêu và cơ hội mua ở vùng giá hấp dẫn không còn dồi dào, Chứng khoán Asean đã điều chỉnh khuyến nghị ngắn hạn từ "mua" sang "nắm giữ" – nhằm bảo toàn lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro khi thị trường bước vào giai đoạn thăm dò mới.

Hoàng Anh

Theo Vietnamfinance