Chi tiết đáng chú ý trong điện đàm giữa lãnh đạo Việt - Mỹ về thuế đối ứng

Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, chi tiết đáng chú ý trong cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước là việc hai bên cùng nhất trí đảm bảo “quy tắc xuất xứ thuận lợi cho cả hai bên”.

Sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm về quan hệ song phương và vấn đề thuế đối ứng, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đăng tải trên nền tảng Truth Social rằng hai nước đã “đạt được thỏa thuận thương mại”. Thỏa thuận này bao gồm việc Việt Nam áp thuế 20% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ và mức 40% với hàng hóa trung chuyển qua nước thứ ba.

Những con số được đưa ra cao hơn kỳ vọng gần đây, khiến giới quan sát không khỏi xôn xao. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, đây lại là một thông tin khá tích cực, nếu đặt trong tổng thể tiến trình đàm phán và bối cảnh hiện tại.

Ông Hưng cho biết, trong số các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ ba có thể tiến gần đến việc hoàn tất đàm phán một thỏa thuận khung. Điều này cho thấy Việt Nam là đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là tín hiệu khá tốt.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI

Yếu tố quan trọng hơn cả mức thuế

Về con số 20% mà ông Trump đề cập, chuyên gia SSI cho rằng đây là mức thuế “chấp nhận được”. Mặc dù cao hơn kỳ vọng gần đây, nhưng mức này vẫn nằm giữa ngưỡng cơ sở (baseline) 10% và mức trừng phạt 30% mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc.

“Chưa có thông tin cụ thể để chắc chắn rằng đây là con số cuối cùng. Quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn và không phải tất cả các mặt hàng đều bị áp thuế 20%”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, yếu tố quan trọng hơn cả mức thuế là quy tắc xuất xứ. Dẫn ví dụ từ kinh nghiệm đàm phán TPP, ông nhắc lại việc các quy định chặt chẽ, như yêu cầu sản phẩm dệt may phải có nguồn gốc từ sợi, từng khiến Việt Nam khó tiếp cận ưu đãi. Do đó, chi tiết đáng chú ý trong cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước là việc hai bên cùng nhất trí đảm bảo “quy tắc xuất xứ thuận lợi cho cả hai bên”.

“Không nhất thiết cần có mức thuế quá thấp nếu đi kèm quy tắc xuất xứ khắt khe. Ngược lại có khi còn vui hơn. Mức thuế đối ứng 20% cùng với một quy tắc xuất xứ “tương đối dễ thở”, để Việt Nam có thể thực hiện sẽ là một tín hiệu đáng mừng", ông Hưng nói.

Cũng theo Kinh tế trưởng SSI, không thể chỉ nhìn vào mức thuế 20% mà cần đặt nó trong so sánh với các quốc gia khác trong khu vực: “Nếu mức chênh lệch không cao, chỉ vài phần trăm thì đó không phải lý do để các nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam để tìm những địa điểm khác để thiết lập nhà máy. Đó là những chuyện khó có thể xảy ra”.

Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nhằm đối phó với các tác động của thuế đối ứng, bao gồm việc giảm giá thuê đất trong khu công nghiệp và hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

“Nói đi cũng phải nói lại, mức thuế 20% không phải là quá tiêu cực. Đã có thỏa thuận thì giảm được nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Mặt khác, nếu so sánh với các mức thuế mà các quốc gia phát triển từng có thỏa thuận trước đó, đây không phải là con số quá cao”, ông Phạm Lưu Hưng phân tích.

Ông Hưng cũng lưu ý, đàm phán là một tiến trình dài và cần sự kiên nhẫn. “Diễn biến tối qua thay đổi chỉ trong vòng 5-10 phút. Có rất nhiều thông tin được đưa ra nhưng đến thời điểm này, chúng ta không có nhiều căn cứ để đánh giá. Thông tin chúng ta có trong tay vẫn khá giống với kỳ vọng từ cách đây một tháng. Gần đây, kỳ vọng về mức thuế thấp hơn mới bắt đầu xuất hiện”, ông Hưng cho hay.

Về khả năng so sánh với các quốc gia khác, ông Hưng cho rằng cần theo dõi thêm các thỏa thuận Mỹ sẽ ký với những nước tương đồng trình độ phát triển. Tuy nhiên, ông tin rằng mức thuế áp dụng sẽ không có sự chênh lệch đáng kể giữa Việt Nam và các quốc gia trong cùng nhóm.

Về khả năng kéo dài đàm phán: “Mặc dù rất mong muốn nhưng tôi không tin rằng những hiệp định như thế này có thể hoàn thành trong thời gian ngắn”. Nếu sau ngày 9/7 – thời điểm dự kiến Mỹ triển khai mức thuế quan mới – quá trình đàm phán vẫn chưa hoàn tất, Việt Nam hoàn toàn có thể được gia hạn mức thuế cơ sở 10% thêm một thời gian.

Rủi ro bất định đã nhạt dần, động lực tăng trưởng đến từ nội lực

SSI Research cũng đã lường trước kịch bản mức thuế 20% trong báo cáo chiến lược, với dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng trưởng ở mức hai chữ số, khoảng hơn 13%, tương ứng với vùng định giá VN-Index quanh mốc 1.400 điểm.

“Rủi ro liên quan đến thuế quan đang dần nhạt đi. Đã có những hướng đi để kết thúc câu chuyện này và chuyển trọng tâm sang các động lực tăng trưởng khác như đầu tư công, phát triển hạ tầng hay đẩy mạnh tiêu dùng nội địa,” ông Phạm Lưu Hưng đánh gia.

Theo ông Hưng, mặc dù câu chuyện thuế quan vẫn rất quan trọng ở thời điểm hiện tại, nhưng đang tiến gần đến hồi kết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hoạch định chiến lược và chuyển hướng sang các yếu tố nền tảng hơn trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh câu chuyện thuế quan, thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nếu điều này thành hiện thực, theo ông Hưng, doanh nghiệp Việt sẽ tránh được các rào cản phòng vệ thương mại, đặc biệt là trong các vụ kiện chống bán phá giá – và mở rộng cơ hội tại thị trường Mỹ, nhất là với các ngành như thủy sản, thép, dệt may.

Về dài hạn, ông Hưng cho rằng động lực tăng trưởng bền vững sẽ đến từ nội lực. Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026–2030 và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, tiêu dùng và dịch vụ tài chính sẽ đóng vai trò đầu tàu.

“Tôi cho rằng thỏa thuận thương mại chỉ là điều kiện cần. Câu chuyện lớn nhất không phải là mức thuế bao nhiêu phần trăm, mà là chúng ta đã dần kiểm soát được yếu tố bất định và mở ra triển vọng đầu tư dài hạn,” ông chia sẻ.

Theo đó, nhà đầu tư nên chú ý đến các cột mốc quan trọng như ngày 9/7 (kết thúc đàm phán thuế), tháng 10 (kỳ công bố nâng hạng của FTSE), cùng với kết quả kinh doanh quý II – những yếu tố sẽ là cơ sở định hình chiến lược đầu tư phù hợp trong giai đoạn tới.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance