Doanh nghiệp dầu khí vẫn làm ăn thua lỗ dù giá dầu tăng mạnh
Nhờ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng phi mã, hàng loạt doanh nghiệp dầu khí báo lãi “khủng” trong quý 2/2022. Tuy nhiên, vẫn còn đó những doanh nghiệp báo lỗ nặng như PVD,..
Doanh nghiệp dầu khí báo lãi “khủng” nhờ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng phi mã
Trong nửa đầu năm 2022, việc giá dầu tăng phi mã đã giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí niêm yết có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2022.
Tại nhóm hạ nguồn, Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) lãi kỷ lục hơn 9.900 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty lọc dầu này ghi nhận doanh thu thuần hơn 87.000 tỷ và lãi ròng gần 12.300 tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và gấp 3,5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, BSR đã vượt xa kế hoạch lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng đặt ra hồi tháng 4.
Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh là yếu tố cốt lõi làm nên thành tích lợi nhuận của BSR trong thời gian gần đây. Nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về gần 6,7 đồng lãi gộp thì quý 2/2022, con số này lên tới 20,4 đồng.
Tương tự, tại nhóm trung nguồn, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) cũng có một kỳ kinh doanh đầy thuận lợi với hơn 5.000 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước và cũng là mức lãi kỷ lục. Trong đó, việc giá vốn tăng thấp hơn doanh thu đã giúp biên lãi gộp của Tổng Công ty tăng từ 16,7% lên hơn 25%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 54.343 tỷ đồng, tăng 35%; lãi ròng 8.515 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (mã: OIL) đạt lãi ròng quý 2/2022 hơn 403 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, OIL đạt doanh thu 53.700 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Lãi sau thuế và lãi ròng đạt gần 793 tỷ đồng và 622 tỷ đồng, tăng lần lượt 71% và 72% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, Công ty đã vượt 19% mục tiêu doanh thu cả năm, và đạt gần gấp 2 lần mục tiêu lãi sau thuế chỉ trong vòng 6 tháng.
Đối với Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem, HNX: PVC), nhờ doanh thu đạt 867 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 54 tỷ đồng, tăng 17%. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng mạnh gấp 5 lần. Ngược lại, PVC đã tiết giảm chi phí bán hàng 16% và chi phí quản lý 7%.
Do đó, lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận ròng gần 4 tỷ đồng, tăng mạnh so với 223 triệu đồng cùng kỳ. Kinh doanh khởi sắc trong quý 2 đã giúp PVC thoát lỗ lũy kế. Sau 6 tháng đầu năm, Công ty có doanh thu 1.345 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 545 triệu đồng, lần lượt tăng 40% và 102% so cùng kỳ.
Nhóm thượng nguồn PVS, PVD thua lỗ đậm
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp dầu khí vẫn làm ăn thua lỗ dù giá dầu tăng kỷ lục. Điển hình tại nhóm thượng nguồn, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã: PVD) báo lỗ ròng 60 tỷ đồng trong quý 2/2022, nâng lỗ lũy kế nửa đầu năm lên mức 117 tỷ đồng.
Đây thực chất là kết quả không quá bất ngờ, khi lãnh đạo PVD đã chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 về việc giá dầu tăng chưa thể tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các kỳ vọng gia hạn hợp đồng hay điều chỉnh giá chỉ có thể thực hiện khi giá dầu tăng cao và ổn định.
Cũng hoạt động ở khâu hạ nguồn như BSR song Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) - nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước lại làm ăn thua lỗ.
Cụ thể, giá vốn tăng cao cộng thêm gánh nặng chi phí bán hàng khiến PLX lỗ ròng hơn 196 tỷ đồng trong quý 2/2022, trong khi cùng kỳ có lãi ròng gần 1.498 tỷ đồng. Lỗ trong quý 2 khiến lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của PLX giảm đến 90% so cùng kỳ, còn hơn 206 tỷ đồng.
PLX lý giải, việc phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 1.100 tỷ đồng do giá xăng dầu trong nước có biến động bất thường theo chiều hướng giảm sâu trong tháng 07/2022 là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn phải báo lỗ. Theo đó, giá xăng dầu thế giới tăng từ 99,4USD/thùng vào đầu quý 2 lên 122 USD/thùng tăng 23% sau đó giảm còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, Petrolimex tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp tại những thời điểm khó khăn. Do đó, biên lợi nhuận gộp quý 2 bị suy giảm lớn.
Với lợi nhuận giảm không phanh trong 6 tháng, Tập đoàn mới chỉ thực hiện được 10% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Cùng cảnh ngộ với PLX, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã: PSH) báo lỗ sau thuế quý 2 khoảng 265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 52 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá xăng dầu trên thế giới và trong nước có nhiều biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của PSH dẫn đến giá vốn tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PSH ghi nhận doanh thu thuần 4.085 tỷ đồng, tăng 38% và lỗ sau thuế khoảng 251 tỷ đồng so với khoản lãi 97 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (HOSE: ASP) chuyển từ lãi sang lỗ ròng 22 tỷ đồng trong quý 2/2022 do chi phí khấu hao tài sản, chi phí xăng dầu và chi phí công tác tăng mạnh.
Cũng ngậm ngùi bão lỗ là trường hợp tại CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (mã: PVY) lỗ thêm 23 tỷ đồng trong quý 2/2022, nối dài chuỗi thua lỗ triền miên từ quý 3/2016 đến nay.
PVY cho biết nguyên nhân kinh doanh đi xuống do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới làm chi phí đầu vào tăng cao. Các dự án Công ty thực hiện năm nay đều có tỷ suất lợi nhuận thấp nên lợi nhuận đạt được không đủ bù chi phí cố định như chi phí khấu hao, chi phí lãi vay.
Một doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn khác tuy không lỗ nặng nhưng lợi nhuận lại giảm kỷ lục. Cụ thể, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS) chỉ đạt lợi nhuận ròng quý 2 vỏn vẹn 12 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục trong hơn 20 năm trở lại đây.
Lợi nhuận gộp giảm mạnh trong khi các khoản chi phí tăng cao đột biến – đặc biệt là chi phí quản lý tăng lên 352 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ do quỹ tiền lương trích theo kết quả kinh doanh công ty mẹ lớn hơn - đã bào mòn lợi nhuận của PVS, tạo nên một kỳ kinh doanh khiêm tốn nhất kể từ năm 2000 tới nay.
Tương tự, Tổng Công ty Gas Petrolimex (mã: PGC) cũng ghi nhận quý 2 lợi nhuận giảm 39% so với cùng kỳ, đạt gần 29 tỷ đồng. PGC lý giải nguyên nhân chủ yếu vì giá nhập hàng hóa, nguyên vật liệu giảm sâu bất thường đã gây thiệt hại về chênh lệch giá hàng tồn khó, trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản chi phí này.