Doanh nghiệp, doanh nhân 'ra mặt' giữa lúc thị trường tài chính xôn xao
Trong thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều doanh nghiệp đã phát đi thông báo cải chính về những tin đồn sai lệch trên thị trường ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và cổ phiếu của doanh nghiệp.
Novaland cải chính về hình ảnh lá đơn cầu cứu Bộ Xây dựng
Một bức ảnh chụp lá đơn cầu cứu Bộ Xây dựng của Novaland (HoSE: NVL) đã được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua khiến dư luận xôn xao.
Theo Novaland, lá đơn cầu cứu nói trên đã được tập đoàn gửi lên Bộ Xây dựng vào năm 2020. Dự án được nhắc tới trong lá đơn là "Khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP. HCM" (tên thương mại là The Water Bay).
Đây là dự án do Công ty TNHHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 – công ty thành viên của Novaland, làm chủ đầu tư. Novaland đã thâu tóm dự án này thông qua việc mua 99,9% vốn của Công ty TNHH Bất động sản Khải Hưng mà Khải Hưng trước đó đã nắm 99% vốn của Công ty Thế kỷ 21. Ước tính tổng số tiền mà Novaland đã chi ra qua các đợt mua bán để sở hữu Thế kỷ 21 vào khoảng 5.200 tỷ đồng.
Novaland cho rằng việc chỉ lấy trang cuối của lá đơn cầu cứu nêu trên cũng như cắt dán, lồng ghép nhiều thông tin bình luận không phù hợp, xuyên tạc sự thật về hoạt động tập đoàn đã gây tâm lý hoang mang cho nội bộ, cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, tác động xấu đến hoạt động của tập đoàn.
"Hiện tập đoàn đã làm việc với cơ quan chức năng để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý xác đáng những tổ chức/cá nhân đăng tải, lan truyền những thông tin sai lệch nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên hữu quan", văn bản nêu.
Song song với đó, Chủ tịch của Tập đoàn Novagroup, ông Bùi Thành Nhơn cũng xuất hiện tại dự án Aqua City (Đồng Nai) để theo dõi các phân khu đang triển khai. Hình ảnh chuyến đi được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội, phần nào trấn an dư luận trước những tin đồn sai lệch về Novagroup.
Nam Long cải chính tin đồn về dự án Izumi City
Izumi City (tên pháp lý: Dong Nai Waterfont) là một dự án của Công ty TNHH Thành phố Waterfront – công ty con của Nam Long Group. Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền một số hình ảnh, nội dung liên quan đến dự án này.
Cụ thể, ngày 24/10, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh văn bản có nội dung “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Biên Hòa cung cấp hồ sơ cho Phòng An ninh kinh tế - Công an TP. HCM về dự án Izumi City và dự án Aqua City về sai phạm trong quản lý đất đai của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) trước ngày 15/11/2022”.
Nam Long Group khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật về dự án Izumi City và đã được Công an TP. HCM xác nhận và bác bỏ thông tin vào chiều cùng ngày.
Nam Long nhấn mạnh: Những hình ảnh và thông tin sai lệch trên đang ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của chủ đầu tư Izumi City.
"Để bảo vệ công ty thành viên cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan, Nam Long Group sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức/ cá nhân đăng tải, lan truyền những thông tin sai lệch này", công ty khẳng định.
VNDirect: "Tin đồn xuyên tạc khiến cổ phiếu VND bị bán tháo"
Thông cáo cho biết trong suốt mấy ngày qua, thị trường chứng khoán được thử sức chịu đựng khi niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và trong giai đoạn tâm lý bi quan, tiêu cực, nhà đầu tư luôn có rủi ro trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, đặc biệt với động cơ làm giá, thao túng thị trường.
"Thực sự, những gì đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam, là biểu hiện của một quá trình phát triển nóng khá cục bộ trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, xét về kinh tế vĩ mô, các hoạt động đầu tư FDI, các chỉ số về sản xuất công nghiệp và dịch vụ vẫn ở mức lạc quan so vói khu vực. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã gọi điện hỏi chúng tôi rằng, việc gì đang xảy ra ở Việt Nam và chúng tôi không hiểu sao nền kinh tế về vĩ mô vẫn tiềm năng mà thị trường lại xuống thấp nhất so với khu vực như vậy", thông cáo viết.
Theo phía VNDirect, trong bối cảnh thị trường chung hiện nay, có rất nhiều đối tượng lợi dụng để tung các tin đồn thất thiệt/bịa đặt/xuyên tạc liên quan đến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Kể cả đối với VNDirect cũng xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch, các tin đồn bịa đặt/xuyên tạc về hoạt động của công ty.
"Những tin đồn xuyên tạc/bịa đặt vô căn cứ đó đã khiến cho cổ phiếu của VNDirect và nhiều doanh nghiệp tốt khác trên thị trường chứng khoán bị bán tháo do nhà đầu tư không đủ thông tin có thể hành xử phù hợp, dẫn đến gây tổn thất nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán và các định chế tài chính trung gian", phía VNDirect nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Nam Group: "Doanh nghiệp hoàn toàn có thể đảm bảo các nghĩa vụ nợ"
Xung quanh các tin đồn trên thị trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), cho biết doanh nghiệp đã và đang triển khai hàng chục dự án năng lượng, điện gió, điện mặt trời với tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng.
Một nửa trong đó là phần vốn của Trung Nam, nửa còn lại tương đương 27.000 tỷ đồng do doanh nghiệp huy động từ phát hành trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, Trung Nam có đầy đủ điều kiện để phát hành trái phiếu sau khi Nghị định 65 ban hành. Doanh nghiệp dự kiến huy động khoảng 1 tỷ USD vốn quốc tế để phát triển ngành năng lượng. Trung Nam tiết lộ được mảng năng lượng của doanh nghiệp được đơn vị quốc tế định giá tới 3,5 tỷ USD.
Chủ tịch Trung Nam khẳng định doanh nghiệp hoàn toàn có thể đảm bảo các nghĩa vụ nợ với dòng tiền bán điện thu về hàng năm là 8.000 tỷ đồng và các nguồn thu khác. Người đứng đầu Trung Nam tiết lộ doanh nghiệp đang đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và sẽ chốt nhà đầu tư vào quý I năm sau.
Ngoài mảng năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Tâm Thịnh cung cấp thêm thông tin một số dự án trọng điểm của Trung Nam như cầu Bạch Đằng từ Hải Phòng đi Quảng Ninh và hiện đang thu phí. Ở Hà Nội, Trungnam làm dự án cầu trên cao đi qua Trường Chinh. Ở Đà Nẵng có dự án Golden Hill 381ha đã làm xong 100% hạ tầng và phía Trungnam không vay ngân hàng ở dự án này.
Tại Đà Nẵng, Trung Nam còn làm hạ tầng khu công nghệ thông tin, có nguồn thu từ cho thuê văn phòng, làm cao tốc Bắc - Nam, cầu Mỹ Thuận 2, hệ thống ngăn mặn của miền Tây.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: "Thị giá cổ phiếu HDB trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực"
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) vừa tổ chức “Hội nghị nhà đầu tư trực tuyến”, chia sẻ kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng. Tại buối phát sóng trực tuyến, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT của ngân hàng cho biết HDBank đã đạt được kết quả kinh doanh 3 quý tốt nhất từ trước tới nay.
Trong đó, các chỉ tiêu về an toàn đã có những bước phát triển đột phá như ROE đạt 23,2%, ROA đạt 2,2%, CIR đạt 37% (giảm so với mức 39% của cùng kỳ năm 2021) và hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt 15,9% (mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 37%).
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo “ngậm ngùi” khi giá cổ phiếu HDB trên thị trường không phản ánh đúng giá thị thực, tiềm năng phát triển của HDBank. Trong đó giá trị cổ phiếu tính trên P/B chỉ trên giá trị sổ sách một chút; còn tính trên P/E thì khoảng trên 5 lần.
“Có lẽ đa số nhà đầu tư có những tâm tư nhất định về giá trị tài sản, giá trị đầu tư của mình. Chúng tôi cho rằng đầu tư vào ngân hàng niêm yết là đầu tư dài hạn, đầu tư vào giá trị bền vững. Đối với một ngân hàng như HDBank, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hôm nay không phản ảnh đúng giá trị thực, năng lực phát triển bền vững và các tiềm năng phát triển trong tương lai cũng như năng lực đi qua những biến động kinh tế để nắm bắt cơ hội phát triển một an toàn bền vững, tăng trưởng cao của ngân hàng”, Phó chủ tịch thường trực của HDBank cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tự tin rằng với những hoạt động và kết quả kinh doanh tích cực đạt được trong 9 tháng năm 2022, giữa biến động của kinh tế thế giới và Việt Nam, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng HDBank sẽ đạt vượt những chỉ tiêu đề ra.