Doanh nghiệp tư nhân muốn được tham gia dự án đầu tư công

Nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, đặc biệt qua hình thức đối tác công - tư. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đủ năng lực được ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Báo cáo của Cục Thống kê nêu rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý 2 năm 2025 được nhận định thuận lợi hơn quý 1 năm 2025 với 28,3% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 40,0% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 31,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý 3 năm 2025 so với quý 2 năm 2025 khó khăn hơn với 26,3% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 42,6% nhận định giữ ổn định và 31,1% dự báo khó khăn hơn.

Theo kết quả khảo sát quý 2 năm 2025, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 57,2% số doanh nghiệp nhận định, tăng 10,1 điểm phần trăm so với quý 1 năm 2025. Đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt trong quý 2 năm 2025. Xếp thứ hai là yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 42,3% số doanh nghiệp nhận định, giảm 8,4 điểm phần trăm so với quý 1 năm 2025.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số yếu tố đầu vào khác có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng như có 20,3% doanh nghiệp khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 24,9% doanh nghiệp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn làm ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp.

có 14,8% doanh nghiệp khó khăn do không tuyển được lao động theo yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung lao động tay nghề cao không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Dù số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng, nhưng phần lớn người lao động phổ thông chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng không đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công leo thang khiến doanh nghiệp khó nâng mức lương để thu hút lao động.

 Về nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, có 21,7% doanh nghiệp khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng như: không có sự ổn định về giá, không cung cấp kịp thời nguyên vật liệu cho công trình.

Một số yếu tố khách quan ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng, cụ thể: có 19,6% doanh nghiệp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi; 18,5% doanh nghiệp khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; 16,4% doanh nghiệp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm; 12,5% doanh nghiệp khó khăn do không biết đến các thông tin đấu thầu nên làm giảm cơ hội ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới.

Về năng lực của doanh nghiệp, có 26,1% doanh nghiệp khó khăn do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc đấu thầu và ký kết các hợp đồng xây dựng mới.

Doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, có 54,7% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu xây dựng; 42,9% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 41,8% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 35,5% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 28,2% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 27,0% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.

Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, trong quý 2 năm 2025, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng giá nguyên vật liệu như thép, xi măng, cát… biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến chi phí và hiệu quả thi công công trình. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn có các chính sách kiểm soát và bình ổn giá vật liệu, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ hoặc đầu cơ đẩy giá.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều khâu trung gian, gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, thẩm định dự án. Một hệ thống thủ tục đơn giản, rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào hoạt động chuyên môn và thúc đẩy tiến độ dự án.

Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư công. Nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, đặc biệt qua hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư PPP, đảm bảo lợi ích hài hòa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đủ năng lực được ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.

Hải Đăng

Theo Tài chính doanh nghiệp