Xóa room tín dụng: Cơ hội cho ngân hàng nào?

Câu chuyện bỏ room tín dụng đã được đưa lên bàn nghị sự nhiều lần. Đến nay, dù đã có phần linh hoạt hơn, song cơ chế room tín dụng vẫn chưa được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ như hiện nay, có lẽ hành trình bỏ room tín dụng đang đến gần đích hơn bao giờ hết.

Quyết liệt trong xóa bỏ room tín dụng

Trong Công điện số 104/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng).

Câu chuyện bỏ room tín dụng đã được đưa lên bàn nghị sự nhiều lần. Đến nay, dù đã có phần linh hoạt hơn, song cơ chế room tín dụng vẫn chưa được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ như hiện nay, có lẽ hành trình bỏ room tín dụng đang đến gần đích hơn bao giờ hết.

Xét ở bình diện tổng thể, việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” sẽ mở ra một bước ngoặt quan trọng, giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng. Khi không còn bị giới hạn bởi các hạn mức tăng trưởng do NHNN đặt ra, các tổ chức tín dụng có thể linh hoạt hơn trong việc cung ứng vốn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Không chỉ góp phần khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, việc xóa bỏ room tín dụng còn tiệm cận với thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống tài chính, tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và củng cố uy tín quốc gia.

Tuy vậy, chính sách này cũng sẽ tạo ra sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Theo ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích VPBankS, “các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao sẽ ở vị trí thuận lợi nhất khi NHNN từng bước chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn không còn áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng”.

Ông Long cho hay mô hình mới mà NHNN áp dụng ban hành là ban hành hạn mức room tín dụng đầu năm thấp so với mục tiêu tăng trưởng cuối năm và các ngân hàng vượt qua hạn mức này sẽ xác định ngưỡng tăng trưởng tín dụng bằng một công thức phụ thuộc nhiều vào hệ số CAR.

Xóa room tín dụng: Cơ hội cho ngân hàng nào? - Ảnh 1

Khảo sát tăng trưởng tín dụng của các nhóm ngân hàng trong giai đoạn 2013 - 2024 của VPBankS cho thấy chênh lệch trong tăng trưởng tín dụng giữa các nhóm ngân hành theo quy mô đã giảm dần.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2016, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng nhỏ (bao gồm HDBank, VIB và TPBank) ở mức rất cao, đỉnh điểm hơn 60% vào năm 2013 và gần 50% vào năm 2016. Song, từ năm 2018 trở đi, mức tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này giảm dần.

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân lớn (gồm MB, Techcombank, VPBank và ACB), tăng trưởng tín dụng khá ổn định, duy trì quanh mức 15 – 25%. Trong đó, giai đoạn 2015 – 2017 là điểm nhấn với mức tăng trưởng tín dụng cao, sau đó giảm nhẹ và hồi phục dần vào giai đoạn 2022 – 2024.

Còn với nhóm ngân hàng quốc doanh (gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank), đây là nhóm có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhấp và cũng ít biến động nhất, dao động quanh mức 10 – 20% trong giai đoạn khảo sát.

Theo chuyên gia VPBankS, những diễn biến này cho thấy sự thay đổi trong điều hành cấp room tín dụng của NHNN. Nếu như trước đây NHNN có xu hướng ưu ái các ngân hàng nhỏ khi phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng thì giờ đây cơ chế mới sẽ ưu tiên các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao.

Do đó, trong tương lai, nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao nhất sẽ có vị thế tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó những ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, cụ thể là VPBank, HDBank, MB và Vietcombank cũng sẽ được tận dụng mức tăng trưởng tín dụng vượt trội.

Cần phải chú trọng rủi ro

Tuy nhiên, việc bỏ room tín dụng cần phải hết sức thận trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng.

Câu chuyện này đã được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu mới đây. Trong phiên chất vấn với Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc cho hay, vốn trong nước hiện đang phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng, kể cả vốn ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã lên tới 134% và nếu tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Trước khi tiến tới việc dỡ bỏ room tín dụng, cần nhìn lại lý do vì sao NHNN đã duy trì công cụ này liên tục từ năm 2013 đến nay. Trên thực tế, room tín dụng từng đóng vai trò như một “van an toàn” quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần giữ ổn định hệ thống ngân hàng và kiểm soát rủi ro tín dụng ở mức cho phép.

Bài học từ giai đoạn 2007 - 2011 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, tín dụng tăng trưởng quá nóng – trung bình trên 33% mỗi năm, riêng năm 2007 đạt mức kỷ lục 53% – đã góp phần đẩy lạm phát lên cao và gây ra hàng loạt bất ổn vĩ mô.

Nếu không có “van” room tín dụng, rõ ràng, các ngân hàng sẽ có không gian lớn hơn để cho vay. Nhưng cấp tín dụng bao nhiêu không quan trọng bằng việc vốn chảy vào lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào, có hiệu quả và an toàn hay không. Nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ dòng vốn rơi vào các lĩnh vực rủi ro, đầu cơ, lặp lại bài học trong quá khứ hoàn toàn có thể xảy ra.

Xóa room tín dụng: Cơ hội cho ngân hàng nào? - Ảnh 2

Trao đổi với VietnamFinance, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc bỏ room tín dụng đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng và dài hạn để những bên liên quan có thời gian “thích nghi”.

Trong thời gian đó, room tín dụng phải được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Theo ông Huân, nhà điều hành phải làm sao để đưa ra lộ trình hợp lý, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vừa bảo vệ được sự an toàn, ổn định của hệ thống.

Ở phía các ngân hàng cũng cần phải tự củng cố “sức khỏe” tài chính thông qua việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro và gia tăng hệ số an toàn vốn.

Về dài hạn, cầu vốn đầu tư trong nước thời gian tới là rất lớn với hàng loạt công trình trọng điểm như xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc, nhiều sân bay, bến cảng, quy hoạch điện VIII,… Điều này đặt ra yêu cầu phát triển, đa dạng hóa thị trường vốn để giảm tải vai trò cung ứng vốn quá lớn mà hệ thống ngân hàng đang gánh vác.

Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng gợi mở về việc cần phải dựa vào cả nguồn vốn trong nước lẫn nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Theo bà Hồng, vốn nước ngoài rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn FII, vay nợ nước ngoài...

Với chỉ tiêu nợ công, nợ nước ngoài hiện nay, dư địa vay nợ nước ngoài của Việt Nam còn rất rộng mở, tránh việc nguồn vốn trong nước phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng như hiện nay, người đứng đầu NHNN gợi mở.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance