Doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng vô cùng khó

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III diễn ra sáng 10/03/2023, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, số doanh nghiệp phá sản, giải thể của năm 2022 so với năm 2021 tăng gần 40%. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng, còn phần chìm của tảng băng chính là các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động cũng rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn.

Đầu tư phù hợp với "sức khỏe" doanh nghiệp

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest chia sẻ, ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành bất động sản, do đó nếu bất động sản "ốm" thì doanh nghiệp xây dựng còn "ốm" nặng hơn.

Ông Hiệp cho biết, có nhiều nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Trước hết là niềm tin của thị trường tụt giảm nghiêm trọng trước những sai phạm trên thị trường trái phiếu. Trong khi đó, vào năm 2022-2023 một lượng lớn trái phiếu đến hạn trả nợ. Nghị định 08 ra đời nhằm cứu thị trường khỏi sự sụp đổ chứ chưa thể cứu được toàn bộ thị trường trái phiếu và niềm tin vào thị trường. Đặc biệt, Nghị định chưa quy định được cụ thể bảo vệ được trái chủ một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest.  
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest.  

Theo ông Hiệp, để phát hành trái phiếu thì phải tính đến room phát hành, tính đến sức khỏe của doanh nghiệp. Bệnh của doanh nghiệp là "tham quá", tức là sức có 1 nhưng muốn làm đến 10. Sức khỏe yếu nhưng nhiều doanh nghiệp lại muốn phát hành trái phiếu lớn, muốn ôm dự án. Có những doanh nghiệp bất động sản mỗi năm ôm đến cả chục dự án lớn với hy vọng có thể phát triển được hết. Đây là bệnh trầm kha của doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài. Đặc biệt, với những khó khăn trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.

Về pháp lý, theo ông Hiệp, dự thảo sửa đổi 3 luật tới đây không biết sẽ "cởi" hay "trói" lại doanh nghiệp. Do đó, dự báo thị trường bất động sản sẽ còn kéo dài tới năm 2024. Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng hiện nay vào bất động sản đã sụt giảm rất nhiều so với trước đây, bởi đã có những cảnh báo từ ngân hàng và thị trường. Do đó doanh nghiệp sẽ cân nhắc để vay tín dụng, thậm chí còn sợ vay.

Cần cải cách mạnh mẽ về thể chế để tiếp sức cho doanh nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.  
TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.  

Trước những khó khăn hiện tại, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế. đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho các doanh nghiệp.

“Về giải pháp dài hạn, sẽ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các công tác cải cách thể chế. Còn về giải pháp ngắn hạn, cần quan tâm sát sao hơn nữa và đồng bộ trong hành động thực hiện. Những năm qua, dòng tiền đã quá dễ dãi khi dễ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Chúng ta đã hơi coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý. Cho nên đây là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu” ông Lộc nhấn mạnh.

Nhìn nhận những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang cần hỗ trợ pháp lý rất lớn, rất quan trọng vào lúc này. Nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm, thì hiện nay trên thị trường bất động sản, yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều, trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề trên thị trường hiện nay.

Về giải pháp với doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023-2024). Đa dạng hóa nguồn vốn như ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính.

Ngoài ra, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…Đặc biệt, cần quan tâm quản lý rủi ro tài chính như lãi suất, tỷ giá, dòng tiền….

MINH ANH

Kinh doanh và Phát triển