Đồng bằng sông Hồng: Tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến

Quy hoạch không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn bất cập, trong đó, tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành.

Báo cáo tại Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng.

Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX.  
Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX.  

Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%.

Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng.

Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.

Đồng bằng sông Hồng vẫn tồn tại khá phổ biến tình trạng quy hoạch “treo”.  
Đồng bằng sông Hồng vẫn tồn tại khá phổ biến tình trạng quy hoạch “treo”.  

Đáng chú ý, quy hoạch không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn bất cập. Tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành.

Hoạt động đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.

Trước thực trạng trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng. Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương.

Bởi vậy, cần đánh giá sâu và nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương, đặc biệt là vị trí, vai trò của vùng Đồng bằng sông Hồng với cả nước để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quan điểm phát triển và nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong thời gian tới.

Phát hiện các vấn đề có ý nghĩa và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế vùng, địa phương, nhất là các tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, các xu thế kinh tế mới và hội nhập kinh tế sâu rộng của vùng và cả nước.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam