Đồng Nai: Đấu giá đất dọc các tuyến đường mới để tạo vốn đầu tư 9 dự án giao thông
Đồng Nai cần nguồn vốn khoảng 50- 60 nghìn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hàng loạt dự án giao thông lớn của Trung ương và địa phương, dự kiến được triển khai trên địa bàn
Hai dự án giao thông lớn đi qua địa bàn tỉnh dự kiến được khởi công trong năm 2023 là dự án đường vành đai 3 - TP. HCM và đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến đi qua vùng dân cư rất đông, mức độ ảnh hưởng của dự án đối với người dân còn lớn hơn cả dự án Sân bay Long Thành. Dù diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha, chưa bằng 1/10 diện tích cần giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành nhưng số hộ dân cần bố trí tái định cư của dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng gần bằng một nửa so với dự án Sân bay Long Thành.
Trong khi đó, đối với dự án đường vành đai 3 - TP. HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh, diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án khoảng 65 ha.
Đồng Nai còn có dự án đường vành đai 4 - TP. HCM, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 200 km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và Long An.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện 4 dự án giao thông nhằm kết nối các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh với sân bay Long Thành.
Ngoài các tuyến đường bộ, với mục tiêu kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, Đồng Nai còn có 2 dự án đường sắt: Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang xây dựng phương án để triển khai thực hiện.
Để triển khai dự án Đường vành đai 4 - TP. HCM, 4 tuyến đường tỉnh và 2 dự án đường sắt phục vụ kết nối sân bay Long Thành, dự kiến Đồng Nai cũng sẽ phải thực hiện thu hồi thêm hàng trăm ha đất.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án này, tỉnh cần nguồn vốn từ 50-60 nghìn tỷ đồng.
Để giải bài toán về nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, Đồng Nai cũng đã lên phương án khai thác quỹ đất lợi thế dọc các dự án này.
Cụ thể, đối với các dự án hạ tầng giao thông do địa phương triển khai thực hiện, Đồng Nai sẽ khai thác tối đa quỹ đất lợi thế để đấu giá, tạo nguồn vốn đầu tư.