Đầu tư “đón sóng” vành đai 3 TP.HCM: Quả ngọt dễ hái?
(CL&CS) - Đón đầu quy hoạch từ trước đến nay được xem là chiến lược khôn ngoan của giới đầu tư. Tuy nhiên, nếu chưa xác định được chính xác thông tin quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới… nhà đầu tư vẫn nên thận trọng.
Là dự án được quy hoạch từ năm 2011, Vành đai 3 đã được phê duyệt và cho phép tiến hành triển khai trong năm 2022. Dự án này hứa hẹn đem lại sự thay đổi diện mạo của 4 tỉnh trong khu vực miền Nam: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, thông thương mua bán và mở ra nhiều cơ hội khác.
Công tác triển khai dự án Vành đai 3
Vành đai 3 là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất liền Nam được ấp ủ cách dây 11 năm, có tổng chiều dài 90km. Ngay từ khi còn nằm trên bản vẽ, dự án đã được đánh giá là tuyến đường chiến lược, tạo hành lang đô thị kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điểm đầu tuyến đường vành đai 3 tại nút giao Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai) và điểm cuối giao với Bến Lức Long Thành (Long An). Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án hơn 75.000 tỷ đồng, với sự tham gia đóng góp từ các địa phương tham gia giai đoạn 2023 - 2024 trong đó TP.HCM đóng góp 13.326 tỷ đồng, Bình Dương 5.350 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng từ Ngân sách Trung ương, dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cam kết hoàn thiện vào năm 2026 gồm 4 làn xe cao tốc và 8 dự án thành phần.
Tuyến đường Vành đai không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, mà còn tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng. Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Đặc biệt, dọc hai bên tuyến đường Vành đai sẽ có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…
Thực hiện cam kết đó, Sở Giao thông vận tải đã đẩy nhanh các công tác chuẩn bị và bàn giao giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2022 và đến tháng 10/2022 sẽ bắt đầu tiến hành công tác giao mặt bằng để chuẩn bị triển khai dự án.
Giai đoạn một dự kiến sẽ tiến hành giải phóng 640 ha đất với kinh phí đền bù khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó khu vực TP HCM đạt mức đền bù đến 25.600 tỷ đồng.
Tiềm năng phát triển vượt bật từ dự án Vành đai 3: Quả ngọt dễ hái?
Trước sức nóng của siêu dự án trên, tại một số diễn đàn nhà đất hiện nay đã hình thành những hội nhóm, rủ nhau đi “săn” đất quanh các khu vực có đường vành đai đi qua để chờ cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, không phải ai “đổ tiền” vào đón đầu dự án cũng có lãi. Thực tế đã có nhiều bài học về việc vội vàng xuống tiền “ăn theo” phong trào khi chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới,… dẫn tới việc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều.
Là dự án mang một sứ mệnh lớn nhưng từ khi được lên kế hoạch từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong phần quy hoạch. Thêm vào đó các công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường cho những khu vực đất thuộc quyền sở hữu cư dân chưa bao giờ là dễ dàng. Việc thực hiện các dự án hạ tầng này mang tính dài hạn, vậy nên việc tăng nóng, sốt đất chỉ là chiêu trò của các “đội lái” để tạo sóng thị trường.
Một số chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư hãy mua những mảnh đất thực sự có giá trị sử dụng, để nếu không bán được vẫn có thể ở, cho thuê hoặc kinh doanh. Bên cạnh đó, phải nắm rõ quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn.