Dòng tiền đổ xô vào nhóm cổ phiếu midcap và penny

Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7, trong bối cảnh VN-Index vượt đỉnh, dòng tiền liên tục đổ vào nhóm midcap và penny, đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động tháng 7 trong không khí sôi động khi VN-Index bứt phá mạnh mẽ, tiệm cận ngưỡng 1.390 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền lớn tiếp tục đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (midcap và penny), bất chấp việc nhiều mã đã tăng mạnh so với vùng đáy.

Sự hưng phấn lan rộng trên thị trường, thể hiện qua việc nhiều cổ phiếu không chỉ tăng giá ấn tượng mà còn vượt qua đỉnh cũ.

HoSE: LDG lại tăng trần, ANV vượt đỉnh 2 năm
HoSE: LDG lại tăng trần, ANV vượt đỉnh 2 năm

Trên sàn HoSE, tâm điểm chú ý thuộc về các mã midcap và penny với mức tăng giá vượt trội. Dẫn đầu là cổ phiếu LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG, tăng tới 30,18% chỉ trong một tuần, với 4 phiên tăng trần liên tiếp – trở thành mã tăng mạnh nhất sàn.

Động lực chính đến từ việc công ty tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, cùng với sự trở lại của cựu Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng, người từng dính vòng lao lý vì sai phạm liên quan đến các dự án bất động sản của Đầu tư LDG trước đây. Trước đà tăng bất thường cửa cổ phiếu, Đầu tư LDG cho biết đây là diễn biến khách quan của cung – cầu thị trường, không phản ánh thông tin nội bộ hay tác động nào từ phía doanh nghiệp.

Tại đại hội, doanh nghiệp đã thông qua nhiều nội dung định hướng dài hạn: bầu HĐQT nhiệm kỳ mới, triển khai kế hoạch kinh doanh 2025, mở rộng hợp tác chiến lược và cam kết hoàn thiện pháp lý các dự án trọng điểm nhằm tạo nền tảng tăng trưởng bền vững.

Liên tục tăng trần kể từ sau khi cựu Chủ tịch "tái xuất", cổ phiếu LDG trở thành quán quân bứt phá trên sàn HoSE.
Liên tục tăng trần kể từ sau khi cựu Chủ tịch "tái xuất", cổ phiếu LDG trở thành quán quân bứt phá trên sàn HoSE.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt cũng gây ấn tượng mạnh khi phá vỡ mức đỉnh cũ sau một thời gian dài điều chỉnh sâu vì áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với ngành thủy sản.

Từ vùng đáy đầu tháng 4 đến nay, thị giá ANV đã tăng gấp đôi. Cú huých lớn nhất đến từ thông tin ngày 18/6/2025 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 (POR20) về thuế chống bán phá giá, với 7 doanh nghiệp Việt Nam – trong đó có Nam Việt – được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này làm dấy lên kỳ vọng về triển vọng xuất khẩu tích cực trở lại của ANV sang thị trường Mỹ, từ đó hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu.

Các mã khác trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE gồm có: PNC (+21,80%), DLG (+16,89%), VIX (+14,57%), STG (+11,43%), HCM (+11,11%), TTF (+10,98%), ACL (+9,68%) và DHC (+9,33%).

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE gồm: PMG (−8,77%), VCA (−7,85%), SVD (−7,51%), FDC (−6,47%), SC5 (−6,09%), SPM (−5,36%), DPR (−4,94%), PDN (−4,90%), GTA (−4,12%) và VNG (−3,88%). Tuy nhiên, mức điều chỉnh của các mã này chủ yếu dưới 10%, phản ánh sự phân hóa tự nhiên trong bối cảnh dòng tiền có xu hướng dịch chuyển rõ rệt sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

HNX: QST gây chú ý, VFS lao dốc

Trên sàn HNX, đà tăng giá vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Dẫn đầu là QST của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Quảng Ninh với mức tăng 41,7%, dù thanh khoản gần như bằng 0. Tính theo giá 33.300 đồng/cp, vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ 108 tỷ đồng.

Theo sau là cổ phiếu BDB của Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định. Với mức tăng gần 20%, mã này đang tiến gần tới vùng đỉnh cũ, đưa vốn hóa của doanh nghiệp vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng.

Dòng tiền đổ xô vào nhóm cổ phiếu midcap và penny - Ảnh 1
Cổ phiếu QST bỏ xa phần còn lại với mức tăng 41,7%.

Ngoài ra, danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX còn ghi nhận sự góp mặt của NFC (+18,40%), BTW (+17,58%), VCM (+15,94%), NVB (+15,70%), HLD (+12,69%), SGD (+10,53%), FID (+10%) và APS (+10%).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VFS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt gây thất vọng khi là mã giảm sâu nhất, đi ngược xu hướng của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Từ vùng đỉnh 30.000 đồng/cp, VFS hiện chỉ còn giao dịch quanh mức 20.900 đồng, tương đương mức giảm hơn 30%, kéo vốn hóa xuống còn hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo sau lần lượt là các mã GLT (−16,36%), VC6 (−13,49%), TPH (−9,84%), KMT (−9,57%), HKT (−9,52%), TKU (−9,40%), MED (−9,30%), PSC (−9,02%) và SFN (−8,59%).

UPCoM: Cổ phiếu tăng giảm chóng mặt

Trên sàn UPCoM, danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất gồm có ONW (+30%), DC1 (+28,57%), THM (+28,21%), RBC (+27,78%), ATA (+25%), EFI (+25%), C92 (+21,95%), SJM (+21,05%), PXM (+20%) và TNV (+19,79%).

Ở chiều ngược lại, 10 mã giảm sâu nhất lần lượt là CCP (−40,44%), TRT (−40%), BAL (−37,10%), SPB (−36,36%), YBC (−25,60%), TW3 (−24,82%), HPB (−19,30%), CI5 (−19,18%), LUT (−16,67%) và TNB (−15%).

Dòng tiền đổ xô vào nhóm cổ phiếu midcap và penny - Ảnh 2
Sàn UPCoM tiếp tục ghi nhận biên độ giao động lớn.

Điểm chung của cả nhóm này là thanh khoản èo uột, giao dịch thưa thớt và thiếu vắng lực đỡ từ các nhà đầu tư tổ chức. Trong bối cảnh thông tin hỗ trợ gần như không có, giá cổ phiếu dễ bị thao túng và phản ứng cực đoan trước từng giao dịch nhỏ.

Dù tiềm ẩn cơ hội sinh lời nhanh nhờ biên độ rộng, sàn UPCoM vẫn là “vùng trũng thanh khoản”. Biến động giá chóng mặt đang khiến nhiều nhà đầu tư duy trì chiến lược thận trọng, tránh rơi vào vòng xoáy đầu cơ.

Hoàng Anh

Theo Vietnamfinance