Dự án bến xe 130 tỷ “bất động” suốt cả thập kỷ

Liên tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch chung, chủ đầu tư bến xe phía Nam TP Đà Nẵng như “ngồi trên đống lửa” vì cảnh “hoang tàn” tại đây. Với mức kinh phí đầu tư hơn 130 tỷ, sau 10 năm bỏ hoang không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Dự án bến xe khách liên tỉnh phía Nam Đà Nẵng (bến xe phía Nam Đà Nẵng) có diện tích 63.120 m2 do tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư xây dựng tại thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Sau hơn 18 tháng thi công, công trình hoàn thành giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng), đưa vào khai thác vào tháng 9/2012. Sau 2 năm khánh thành, đến nay Bến xe Đức Long Đà Nẵng (còn gọi Bến xe phía Nam) vẫn chưa có đơn vị vận tải nào đăng ký tham gia khai thác.

Dự án bến xe 130 tỷ “bất động” suốt cả thập kỷ - Ảnh 1

Khung cảnh hoang tàn tại bến xe trăm tỷ

Được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012, tuy nhiên vì mắc phải những điểm nghẽn về quy hoạch phân luồng và tuyến đường vận tải, suốt 10 năm qua, bến xe này luôn trong tình trạng “trùm mền” vì không có khách và xe. Bến xe vẫn nằm đó, để lại vốn góp trăm tỷ hao mòn mỗi ngày, lãng phí tiền của và công sức.

Với quy mô 6,3 ha và sức chứa từ 800-1000 lượt xe xuất bến mỗi ngày, dự án bến xe phía Nam Đà Nẵng vốn được mong chờ để giải tỏa áp lực cho giao thông nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa thể hoạt động như dự định. Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết khó khăn nhất là khi các doanh nghiệp vận tải có nhiều lý do riêng để không thể đăng ký kinh doanh tuyến tại bến xe này.

Người dân khu vực bến xe cũng hy vọng các cơ quan chuyên ngành đốc thúc các bên để vận hành bến xe như kế hoạch. Đây được cho là quỹ đất rất lớn mà Thành phố đã phê duyệt nhằm xây dựng bến xe, phục vụ nhu cầu vận chuyển, vận tải.

“Nếu cứ tiếp tục tình trạng bỏ hoang như vậy rất lãng phí tài nguyên, tiền bạc, đã vậy còn gây mất mỹ quan đô thị nữa”, một người dân chia sẻ.

Theo quan sát có thể nhận thấy các hạng mục cơ sở vật chất đều có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, các hệ thống cửa, ghế ngồi, quầy bán vé, tường phía bên trong bị hỏng, thấm dột, bụi phủ kín mọi nơi… Cả nghìn mét vuông diện tích đất xung quanh công trình chính cỏ dại mọc cao hơn đầu người.

Các hạng mục cơ sở vật chất đều có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng  
Các hạng mục cơ sở vật chất đều có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng  

Bài toán trải dài cả thập kỷ

Nhiều cuộc họp mặt nhằm bàn luận các phương án “vực dậy” dự án bến xe trăm tỷ, nhiều văn bản đề nghị xem xét được gửi đến các Bộ, ngành Trung ương,… nhưng những khó khăn vẫn còn đó, vướng mắc thì bị tồn đọng suốt cả thập kỷ.

Mục tiêu ban đầu đề ra, bến xe sau khi được hoàn thiện xây dựng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải phục vụ hành khách có nhu cầu di chuyển giữa Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

Một trong những nguyên nhân khiến Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng không hoạt động bởi vị trí cách xa trung tâm đến hơn 13km, việc phân luồng cũng như nhiều tuyến đường còn bất hợp lý nên không thể thu hút xe khách vào bến.

Mặc khác, về phía chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long cũng chưa hoàn thành thủ tục về hoạt động bến bãi theo quy định của ngành Giao thông vận tải.

Có ý kiến cho rằng chỉ khi các Ban ngành, Sở GTVT cùng doanh nghiệp “ngồi xuống” rà soát để tổ chức phân luồng lại tuyến theo quy định của Bộ GTVT thì mới tháo gỡ được những khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Từ tháng 11/2012, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số hoạt động vận tải khách từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng.

Tháng 5/2013, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP thực hiện đúng theo quy hoạch, trong đó phân định luồng tuyến Bến xe phía Nam cho các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Nhưng đến tháng 6/2013, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới, vào khai thác Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng. Đồng thời, giao chủ đầu tư tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký vào hoạt động tại bến xe.

Kim Yến

Theo Kinh doanh & Phát triển