“Ỳ ạch” giải ngân vốn đầu tư công: Gấp rút tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng qua vẫn rất “ỳ ạch”, chỉ đạt 18,48% kế hoạch. Gấp rút tháo gỡ các

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu từng, bộ, cơ quan, địa phương thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, gỡ bỏ các nút thắt, điểm nghẽn để bảo đảm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 vẫn rất “ỳ ạch”.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 rất “ỳ ạch”.  
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 rất “ỳ ạch”.  

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước ước đạt 109.600 tỉ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 7 bộ và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 25%, nhưng có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 17%. Đây là tỉ lệ rất thấp.

Ngoài một số đơn vị, địa phương có tỉ lệ giải ngân cao là Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển Việt Nam (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%), còn lại nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa hoàn thành mục tiêu các dự án đầu tư công, cản trở đến tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính thì cho biết, hơn 4 tháng trôi qua, nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 18,48% kế hoạch.

Tính đến cuối tháng 4/2022, có 12/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 17%. Trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Lý giải nguyên nhân tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, Bộ KH&ĐT cho rằng, do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiện, còn 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân.

Các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Các tổ công tác sẽ xem xét trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại từng bộ ngành, địa phương; xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Vừa qua, Bộ KH&ĐT cũng đã kiến nghị đối với số vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ của 12 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ và có văn bản yêu cầu các cơ quan trên cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, rà soát, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn. Trường hợp không điều chỉnh được, các địa phương có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu.

Các địa phương, bộ ngành đang gấp rút rà soát, tháo gỡ các "điểm nghẽn" để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Điển hình là tại tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu các chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2021 nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trường hợp đến hết quý II/2022, các chủ đầu tư này vẫn tiếp tục chậm trễ tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, UBND tỉnh sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị.

Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo điều chuyển hạng mục công trình từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu đủ năng lực. Bộ chỉ cho phép các ban quản lý dự án giữ lại 5% tiền bảo hành công trình, không giữ 2% tiền phục vụ quyết toán công trình để giúp nhà thầu bảo đảm năng lực tài chính, tăng khối lượng giải ngân dự án.

Hiện nhà thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam có tiến độ hoàn thành vào năm 2022 cũng đang tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được Bộ Giao thông vận tải giao.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam