Vĩnh Phúc: Gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngay những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng các công trình, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu năm

Với kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng chính phủ giao thực hiện trong năm 2022 trên 6.937,4 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã khẩn trương phân bổ nguồn vốn cho các sở, ngành, địa phương, trong đó, quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành giải ngân vốn đối với từng dự án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư, chủ dự án xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm để tổ chức thực hiện, quyết liệt đạt mục tiêu đề ra; giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư và rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để dự án sớm triển khai thi công. UBND tỉnh cũng thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại một số sở, ban, ngành, địa phương, trực tiếp chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm; yêu cầu các sở, ngành, cơ quan chuyên môn định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện và đề xuất tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất có thể.

Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, đưa Cầu Đầm Vạc vào sử dụng dịp 30/4 tới.  
Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, đưa Cầu Đầm Vạc vào sử dụng dịp 30/4 tới.  

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết quý I/2022, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 766 tỷ đồng, bằng 11,05% so với tổng kế hoạch vốn được giao, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn vốn chi tiết được giao từ đầu năm đã giúp các địa phương, chủ đầu tư vừa chủ động hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu sớm triển khai thi công các công trình bảo đảm tiến độ đề ra vừa có thể tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành, quyết toán cho các dự án thành nhiều đợt, tránh để dồn khối lượng vào cuối năm. Đặc biệt, khi những khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời, nhà thầu sẽ tập trung cao độ nhân lực, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, kể cả thi công vào ban đêm để bảo đảm triển khai các dự án, công trình đúng tiến độ đã cam kết.

Đơn cử như công trình Cầu Đầm Vạc do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Chính thức khởi công vào tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 612 tỷ đồng, theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2021. Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ đầu tư đã phải báo cáo, đề xuất tỉnh cho phép triển khai thủ tục điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, xác định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp giải quyết tình trạng ùn ứ, nguy cơ mất an toàn giao thông trên các trục giao thông chính trong nội thị vào giờ cao điểm mà còn giúp thành phố Vĩnh Yên tạo lập không gian cảnh quan đô thị xứng tầm với vị trí đô thị trung tâm của tỉnh, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng 100% diện tích đất dự án và những vướng mắc phát sinh. Qua đó, tiếp thêm động lực để nhà thầu khắc phục khó khăn, tập trung nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Ngay đầu năm mới 2022, các đơn vị thi công đã bố trí lao động làm việc 3 ca/ngày, khẩn trương hoàn thành hạng mục đường dẫn phía 2 đầu cầu, thông tuyến bên trái và lắp đặt hoàn thiện 4/9 trụ tháp chiếu sáng để nhân dân đi lại thuận lợi. Hiện công trình Cầu Đầm Vạc đang được thi công những công đoạn cuối cùng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2022.

Nhiều công trình, dự án khác cũng được tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 3 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã bố trí vốn đầu tư công cho 1 dự án hoàn thành, 12 dự án chuyển tiếp và 2 dự án khởi công mới là Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh và đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ Quốc lộ 2C đến đường song song đường sắt tuyến phía Bắc. Tỉnh cũng triển khai kế hoạch phân khai gần 800 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án kết cấu hạ tầng văn hóa xã hội và dự án quan trọng khác. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục trình thẩm định chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư đủ điều kiện bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó có nhiều dự án, công trình trọng điểm như: xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên; xây dựng, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc; xây dựng Trung tâm Triển lãm, giới thiệu thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh; xây dựng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh…

Tạo đà cho giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công quý I/2022 của tỉnh tuy có cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân chủ yếu là do quý I trùng với dịp tết nguyên đán nên các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa tập trung triển khai kế hoạch. Mặt khác, các địa phương chủ yếu đang tập trung thanh quyết toán giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình đã quyết toán, trong khi đó, các dự án mới chủ yếu đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, tình hình dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp, phần lớn nhà thầu gặp khó khăn về nhân lực cộng thêm các giá xăng dầu liên tục tăng khiến giá các nguyên vật liệu xây dựng và các chi phí đầu tư tăng cao khiến các nhà thầu trì hoãn tiến độ thi công.

Báo cáo của UBND huyện Vĩnh Tường cho thấy, đến hết quý I/2022, toàn huyện giải ngân được trên 105 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 30% nguồn vốn kế hoạch giao trong năm 2022. Tuy nhiên, nguồn vốn các dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đạt kết quả giải ngân thấp: chưa đầy 5% kế hoạch vốn giao. Ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh, giá nguyên vật liệu tăng, nguyên nhân chủ yếu là do quy định của pháp luật thay đổi liên tục ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công; công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án chậm, chất lượng hồ sơ chưa cao, nhất là ở một số dự án có tổng mức đầu tư lớn; một số chủ đầu tư chưa chú trọng công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn và thẩm định nội bộ nên chất lượng hồ sơ thấp, phải chỉnh sửa nhiều lần, chưa quyết liệt trong công tác quyết toán dự án hoàn thành để có số liệu công nợ chính xác phục vụ việc giải ngân vốn đầu tư… Trong khi đó, một số đơn vị chưa tích cực vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng và quyết toán dự án hoàn thành để có số liệu công nợ chính xác phục vụ việc giải ngân vốn đầu tư.

Năm 2022 được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” cho phục hồi kinh tế của tỉnh khi bình thường hóa cuộc sống sau đại dịch Covid-19. Từ thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tỉnh đã đề ra về thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, trọng tâm là tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra thực tế các dự án, công trình, nhất là công trình trọng điểm để nắm bắt tình hình, thực hiện của các chủ đầu tư, nhà thầu, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc ngay trong những tháng tiếp theo của năm 2022.

Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ lập dự án, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã ký cam kết với Tỉnh ủy, UBND tỉnh; khẩn trương giải ngân các dự án đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; rà soát lại toàn bộ các dự án trọng điểm, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung triển khai và cam kết thực hiện giải ngân chi tiết đến từng dự án.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà thầu triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án liên quan đến xã hội hóa, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phân cấp, uỷ quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, đồng thời, xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.

PV

Theo Kinh doanh & Phát triển