Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD, đi qua 20 tỉnh thành có chuyển động mới
Theo đề xuất của Bộ, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế Bắc - Nam với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM).
Bộ Giao thông vận tải vừa gửi công văn tới Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội liên quan đến việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trước đó, qua Ban Dân nguyện, cử tri TP. Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm lập hồ sơ phương án tuyến tỷ lệ 1/500 cho dự án, đồng thời cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông của tuyến đường sắt tốc độ cao. Điều này nhằm công khai phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông, giúp người dân dọc tuyến đường yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện tại, Bộ đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và gửi Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định theo quy định. Đây sẽ là cơ sở trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Sau khi dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND TP. Hà Nội thực hiện việc cắm mốc giới, xác định phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông của tuyến và các ga. Điều này sẽ giúp quản lý quỹ đất hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cử tri về việc yên tâm sản xuất và kinh doanh.
Theo đề xuất của Bộ, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế Bắc - Nam với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM).
Cụ thể, tuyến sẽ đi qua các địa phương: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. HCM.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km với thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Hạ tầng được xây dựng để đạt tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng trục 22,5 tấn. Tuyến sẽ bao gồm 23 ga khách (trong đó có 3 ga tiềm năng), 5 ga hàng hóa, 5 depot tàu khách, 4 depot tàu hàng và 40 trạm bảo dưỡng hạ tầng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD.
Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ có khả năng vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách mỗi năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam) và khoảng 106,8 triệu hành khách mỗi năm (đối với tàu khách khu đoạn). Về hàng hóa, tuyến sẽ đáp ứng khả năng vận chuyển khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện tại.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án ước tính khoảng 10.827ha, bao gồm 894ha đất ở, 6.309ha đất nông nghiệp, 30ha đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, 2.567ha đất rừng và 1.027ha đất khác như giao thông, sông suối, đất chưa sử dụng...