Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần bao nhiêu tiền?

Theo Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 60.024 tỷ đồng.

Ngày 16/4, Bộ GTVT đã có công văn số 3102/BGTVT - KHĐT gửi UBND các tỉnh, thành gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An về kế hoạch triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 3 (TPHCM).

Theo Bộ GTVT, tuyến đường Vành đai 3 TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Theo quy hoạch, tuyến đường này cần phải hoàn thành xây dựng trước năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 16,3/89km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về phương án triển khai dự án, tuy nhiên đến nay chưa thu xếp được nguồn vốn.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần bao nhiêu tiền? - Ảnh 1
Một đoạn vành đai 3 Tp.HCM qua Bình Dương. Ảnh: Báo Đầu tư

Hiện tại, Bộ GTVT đã cập nhật giá trị tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng trên từng địa phận các địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng các địa phương đảm nhận đầu tư các đoạn của đường vành đai 3 trên địa phận của mình.

Trường hợp địa phương đảm nhận đầu tư, đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế thực hiện, ví dụ khai thác quỹ đất hai bên đường, hỗ trợ của trung ương nếu cần…Trong trường hợp đề xuất Bộ GTVT đảm nhận việc xây dựng, đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 TPHCM cần khoảng 60.024 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỷ đồng.

Đường vành đai 3 đi qua địa bàn Đồng Nai có 2 dự án thành phần gồm 1A và 2A. Trong đó, dự án thành phần 1A có chiều dài hơn 8,7 km, điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây thuộc Thành phố Thủ Đức (TP.HCM).

Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo tiền khả thi với tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng. Dự kiến, dự án thành phần 1A sẽ khởi công trong quí 3/2021.

Còn dự án thành phần 2A đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 5 km, điểm đầu giao cắt với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và điểm cuối giao cắt với đường tỉnh 25B.

Theo Bộ GTVT, đường vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển dịch vụ vận tải liên vùng giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Thùy Dung (Tổng hợp)

Theo Đất Việt0