Dự án KCN Sông Công II, Thái Nguyên: Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ trách nhiệm việc để chậm tiến độ

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 3951/BXD-QHKT về việc ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, Thái Nguyên.

Theo đó, sau khi nhận được văn bản gửi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ý kiến thẩm định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Xây dựng cho biết, theo Quyết định số 353 ngày 23/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, thời gian thực hiện dự án được phê duyệt từ năm 2017 đến năm 2020.

Hình minh họa  
Hình minh họa  

Sau đó, ngày 23/5/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình số 54, theo đó, đề nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư (tăng hơn 589 tỷ đồng chi cho chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

“Tuy nhiên, tại hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư chưa có các nội dung về so sánh đánh giá giữa kế hoạch giải phóng mặt bằng theo chủ trương được duyệt và thực tiễn; nguyên nhân chậm thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các chủ thể liên quan; các mốc thời gian hoàn thành cụ thể đối với các gói thầu đang triển khai, thời gian quyết toán dự án. Do vậy, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án cần bổ sung, làm rõ để đảm bảo tính khả thi của việc điều chỉnh”, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù thời gian hoàn thành dự án đề nghị tăng 3 năm nhưng chưa có đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng của việc này đến các chi phí đầu tư xây dựng khác ngoài chi phí giải phóng mặt bằng.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị thuyết minh làm rõ nội dung này, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cho biết, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư không thể hiện chi tiết xác định chi phí giải phóng mặt bằng, do vậy chưa đủ cơ sở để đánh giá tính phù hợp của chi phí này với các quy định của pháp luật có liên quan.

“Tuy nhiên đây là dự án đã được thực hiện nhiều năm, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thì công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện được 94% (235/250ha), do vậy về nguyên tắc, đến thời điểm hiện nay các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được xác định một cách chính xác” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Theo tìm hiểu, Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2017 với quy mô 250ha, tổng số vốn đầu tư hơn 1.757 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020.

Tại kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh Thái Nguyên khóa XIV (8/2021) đã thông qua thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình về việc thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II diện tích 250ha. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được đề nghị điều chỉnh sẽ tăng thêm gần 600 tỷ đồng (từ 1.757,776 tỷ đồng thành 2.347,151 tỷ đồng) do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến nay đã thực hiện được hơn 235ha trên tổng 250ha (ước tính đạt 94%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng ước tính 1.229.694.485.026 đồng (tăng 712.694.485.026 đồng so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư), dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn giá các loại đất trên địa bàn được phê duyệt có sự điều chỉnh, thay đổi theo từng giai đoạn; chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn cũng có sự điều chỉnh Quá trình thống kê, kê khai kiểm đếm, phê duyệt phương án cho thấy số liệu thống kê có sự chênh lệch với phương án sơ bộ ban đầu. Do đó dẫn đến vượt giá trị dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nguồn vốn đầu tư cũng được điều chỉnh thành vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động từ nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất do thực tế không phát hành được trái phiếu chính quyền địa phương (200 tỷ đồng) để thực hiện dự án thay vì các phương án vốn đã được phê duyệt: Nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất giai đoạn 1 (50ha đầu tiên); Ngân sách địa phương dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng 50ha đầu tiên 200 tỷ đồng; Nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 200 tỷ đồng; Nguồn vốn vận động ứng trước của 50ha đầu tiên 555 tỷ đồng. Các giai đoạn tiếp theo của dự án, tỉnh thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, lấy nguồn vốn vận động nhà đầu tư ứng trước của giai đoạn 1 để triển khai dự án.

Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên đã sử dụng nguồn ứng trước tiền thuê đất cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án.

Hồng Liên

Theo Chất lượng và Cuộc sống