Dự án King Sea Phan Thiết: Hàng loạt sai phạm sau gần 20 năm được phê duyệt

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị thu hồi dự án King Sea Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia do dính nhiều sai phạm.

Bị kiến nghị thu hồi

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận có công văn về việc công bố công khai danh sách 43 dự án có vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (King Sea Phan Thiết) được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ chương đầu tư với diện tích 86 ha năm 2005.

Tại dự án này có hơn 49 ha đất thuộc diện cho thuê đất, trả tiền hàng năm; hơn 12 ha diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án, chưa được thương lượng, đền bù.

Đến ngày 6/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận lại cấp Quyết định đầu tư mới cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang (Công ty Đại Thanh Quang) diện tích dự án chỉ còn hơn 55 ha.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng vào năm 2018. Năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thực độc lập.

Dự án King Sea Phan Thiết: Hàng loạt sai phạm sau gần 20 năm được phê duyệt - Ảnh 1
Phối cảnh dự án King Sea Phan Thiết.

Đáng chú ý, đến năm 2019, nơi đây chỉ là rừng cây, có một vài công trình mới xây dựng phần thô. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn gia hạn cho dự án King Sea Phan Thiết thêm 24 tháng.

Trong khi đó, theo Kết luận của Tổng cục Quản lý đất đai, dự King Sea Phan Thiết của Công ty Đại Thanh Quang dính nhiều sai phạm như không đưa đất vào sử dụng, không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, nhân dân và dự án thuộc diện phải thu hồi.

Được biết, ngày 11/11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận nhận được đơn kiến nghị của công dân về việc đề nghị thu hồi đất dự án King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết vì có hành vi làm giả hồ sơ giấy tờ để chiếm đất của dân, không đền bù tiền.

Ngày 28/12/2021, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Thương mại dịch vụ Địa ốc Thái Dương có đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đề nghị không thực hiện và không chấp thuận cho phép Công ty Đại Thanh Quang thực hiện các giao dịch biến động bất động sản vì giữa hai bên có tranh chấp về mua bán đất.

Loạt dự án của Bình Thuận chậm tiến độ

Ngày 11/10/2022, căn cứ kết quả kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4241 về việc công khai 43 dự án bất động sản vi phạm trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 645ha.

Cụ thể, TP Phan Thiết có 13 dự án quy mô hơn 144 ha, gồm: Khu du lịch sinh thái Oscar (6,35 ha); Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An-Mũi Né (2,69 ha); Khách sạn du lịch Hữu Lợi (1,82 ha)…

Thị xã La Gi có 8 dự án quy mô hơn 221 ha, gồm: Khu du lịch sinh thái Whale Hill (7,97 ha); Khu du lịch E DEN (1,96 ha); Khu du lịch Thu Hằng (4,86 ha); Khu du lịch Làng Tre La Gi (5,5 ha)…

Huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án quy mô 112 ha, gồm: Khu du lịch Đại Tây Dương (7,9 ha); Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết (4 ha); Khu dulịch sinh thái Kê Gà (18,8 ha); Khu du lịch Thuận Quý I (5,08 ha)…

Huyện Bắc Bình có 8 dự án quy mô gần 129 ha, gồm: Khu du lịch Hawaii (9,8 ha); Dự án du lịch Hòn Nghề 1 (7,7 ha);; Khu du lịch Tazon Resort (95,5 ha)

Huyện Tuy Phong có 5 dự án hơn 38 ha, gồm: Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (2,9 ha); Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys (4,5 ha); Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông (28,6 ha)…

Dự án King Sea Phan Thiết: Hàng loạt sai phạm sau gần 20 năm được phê duyệt - Ảnh 2
Các dự án đa phần nằm ở ven biển, trải dài từ huyện Tuy Phong đến tận huyện Hàm Tân. Ảnh: Báo Xây dựng

Thống kê từ năm 2003 đến nay, Bình Thuận có 250 dự án trong lĩnh vực du lịch, thương mại được cấp phép với tổng diện tích đất trên 2.200ha. Tuy nhiên, chỉ có 101 dự án được đưa vào hoạt động. Hiện gần 150 dự án còn lại không đưa đất vào sử dụng hoặc triển khai cầm chừng.

Trong số 47 dự án du lịch mà Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trực tiếp kiểm tra, có 21 dự án hơn 10 năm nay không đưa đất vào sử dụng.

Cá biệt có dự án ở Mũi Né đã kéo dài gần 15 năm không đưa đất vào khai thác: Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang (được cấp phép năm 2005); Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân của Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn - Hàm Tân (được cấp phép năm 2004).

Riêng thành phố Phan Thiết có 13 dự án thuộc diện “treo” gồm: Khu du lịch sinh thái Oscar; Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An - Mũi Né; Dự án The Balé; Khu biệt thự Revera Park; Khu du lịch Minh Sơn; Khu du lịch Thành Hưng; Khu du lịch Mũi Né Infity; Khu du lịch Ngọc Khánh; Dự án Resort Hotel Lamuine 2; Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết; Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang.

Ngọc An

Ngọc An

Theo Sở hữu trí tuệ