Dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM “đắp chiếu” nhiều năm

Được cấp phép từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM vẫn chưa thể triển khai vì gặp đủ loại vướng mắc trong thủ tục quy hoạch.

Sau gần 20 năm, Khu Công nghệ cao TP.HCM được đánh giá có sự phát triển tốt và sôi động hơn so các khu công nghệ cao khác trên cả nước. Tuy nhiên thực tế phát triển đang bộc lộ những bất cập về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các khu công nghệ cao.

Dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM “đắp chiếu” nhiều năm - Ảnh 1

Dự án “đắp chiếu” 3 năm trời

Ngày 08/06 vừa qua, Tọa đàm “Trao đổi, giải pháp về thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) tại Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP)” đã diễn ra. Nhiều đại diện doanh nghiệp tham gia tọa đàm tỏ ra vô cùng bức xúc về các vướng mắc về thủ tục hành chính trong cấp phép điều thiết kế xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp phép về môi trường, thuê đất...

Đáng chú ý là trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam - Japan. Đại diện công ty, ông Thái Thanh Hải cho biết, dự án của công ty trong khu không gian khoa học đã được Ban quản lý SHTP cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2019. Thế nhưng, cho đến nay, dự án của công ty vẫn trong trạng thái “đắp chiếu” vì vướng thủ tục quy hoạch cục bộ: đi lòng vòng nhưng chẳng đến đâu.

Ông Thái Thanh Hải phản ánh, hồi tháng 4 năm ngoái, UBND TP.HCM có gửi thông báo hướng dẫn doanh nghiệp mình phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao là UBND TP. Thủ Đức để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/5000.

Khi gửi hồ sơ đến UBND TP. Thủ Đức thì doanh nghiệp được hướng dẫn làm việc với Sở Xây dựng. Thế nhưng khi hồ sơ gửi đến Sở Xây dựng thì cơ quan này lại hướng dẫn quay về Ban quản lý để xin giấy phép xây dựng.

Xoay đi xoay lại, kết quả là, dự án này đã bị mắc kẹt suốt 3 năm ròng. Lý do Ban quản lý đưa ra là các công văn hướng dẫn không thể thay thế cho quy hoạch cục bộ.

“Gần đây nhất, ngày 24/5, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản nêu rõ việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải do UBND TP Thủ Đức giải quyết. Hiện giờ chúng tôi không biết phải liên hệ bộ phận nào, thời gian trong bao lâu trong khi dự án đã bị treo gần 3 năm nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thái Thanh Hải bức xúc nói.

Ngoài trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Việt Nam - Japan, còn nhiều trường hợp khác gặp các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn TP.HCM sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” thủ tục để các dự án treo được triển khai, giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết, hầu hết các dự án gặp vướng mắc chưa thể triển khai liên quan đến 2 nhóm thủ tục: điều chỉnh thiết kế xây dựng công trình và điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 ở SHTP.

Dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM “đắp chiếu” nhiều năm - Ảnh 2

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chuyển giao từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai năm 2013, Ban Quản lý đã nhận thiếu sót là không ban hành quyết định cho thuê đất trong khi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp về sau.

Ban Quản lý đã có báo cáo UBND TP.HCM và tháo gỡ cho 24 trường hợp vướng mắc do thiếu quyết định cho thuê đất. Còn 48 trường hợp đang gặp vướng mắc tương tự cũng đã được Ban Quản lý đã trình UBND TP.HCM để giải quyết.

Ban Quản lý SHTP cam kết, sau khi tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp trong buổi tọa đàm, ban quản lý sẽ làm việc với các cơ quan liên quan và xin chỉ đạo của UBND thành phố để sớm đưa ra phương án giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Thi khẳng định: “Trong tư duy đô thị, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ công nghệ cao thì phải có những doanh nghiệp dân sinh để phục vụ dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ khác liên quan”.

 

Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau gần 22 năm thành lập và phát triển, hiện sản phẩm của Khu CNC TPHCM đang chiếm hơn 60% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của Thành phố. Giá trị xuất khẩu lũy kế đến năm 2021 là trên 100 tỷ USD. Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá trị xuất khẩu của Khu CNC cũng đạt mức 22 tỷ USD. Ngoài ra, năng suất lao động bình quân trong Khu CNC TPHCM cũng cao gấp gần 17 lần bình quân cả nước.

Dù được đánh giá là thành công nhất cả nước nhưng thực tế phát triển Khu CNC TPHCM vẫn còn những bật cập về cơ chế, chính sách ưu đãi không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây cũng là tình trạng chung của các khu CNC trên cả nước.

 

Theo Chất lượng và Cuộc sống