Dù đã cảnh báo, nhiều người vẫn sập bẫy hành vi “thao túng” chứng khoán

Thị trường chứng khoán hồi phục nhanh chóng sau thời gian dài ảm đạm, ghi nhận mức tăng trưởng nhanh vượt bậc. Song, đi kèm với đó là rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân khi gần đây diễn ra nhiều vụ thao túng thị trường chứng khoán, con số thiệt hại có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thao túng chứng khoán là hành vi gian lận nhằm làm tăng, giảm giá cổ phiếu, trục lợi dựa trên việc thua lỗ của những người tham gia khác trên thị trường gây cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp, gây nhiẽu các phân tích về khoản đầu tư tốt do cùng cầu ảo. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững, công khai và minh bạch của thị trường.

Dù đã cảnh báo, nhiều người vẫn sập bẫy hành vi “thao túng” chứng khoán - Ảnh 1

Mất tiền tỷ cho bài học “xương máu” trên thị trường chứng khoán

Dù không phải hiếm thấy và được cảnh báo là thị trường “nóng” nhất các kênh đầu tư, nhưng vẫn nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ “tay mơ” thấy món hời mà tham gia vào sân chơi rủi ro này. Để rồi hàng ngàn người trở thành nạn nhân của chiêu trò thao túng chứng khoán của một số cá nhân, tổ chức.

Cuối tháng 3, thị trường chứng khoán xôn xao khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ việc trên, một nhà đầu tư cá nhân đã bị bốc hơi hơn 80 tỷ đồng chỉ sau hơn 3 tháng trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp họ FLC. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông họ FLC cũng đang “mất ăn, mất ngủ” khi hàng loạt mã cổ phiếu bị cảnh báo thậm chí dừng giao dịch vì những sai phạm liên quan đến việc chậm công bố thông tin.

Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Huế liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập 20 công ty.

Các bị can còn mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán. Trong đó có 120 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.

Mục đích của việc làm trên nhằm đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Tiếp đó, ông Quyết chỉ đạo các bị can và một số người khác đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu tương đương số tiền 1.689 tỷ đồng nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán.

Theo Bộ Công an, việc làm của ông Quyết và đồng phạm nhằm tạo ra cung - cầu giả, thao túng giá cổ phiếu, thu lợi bất chính ban đầu 975 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 550 đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết.

Trên sàn chứng khoán, giá các cổ phiếu "họ FLC" đều giảm sâu so với vùng giá trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Trừ GAB xấp xỉ 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng mất thanh khoản suốt từ cuối tháng 3, giá các mã còn lại đều không quá 5.000 đồng/cổ phiếu, không còn bằng một ly trà đá. 

“Từ khi cổ phiếu này chưa bị đình chỉ giao dịch, tôi đã đặt bán nhưng không khớp lệnh. Nhìn tiền bay dần mà xót ruột” - một nhà đầu tư chia sẻ.

Cổ phiếu FLC đóng cửa ở mức giá 3.570 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch cuối cùng trước khi bị đình chỉ. HAI đóng cửa ở mức giá 1.580 đồng/cổ phiếu, trong khi ROS rời HoSE với mức giá giảm chỉ còn 2.510 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, chốt phiên 15/9, KLF giảm sàn về 2.000 đồng/cổ phiếu, ART mất 9.09% về 3.000 đồng/cổ phiếu, còn AMD giảm 6,64% về 1.970 đồng/cổ phiếu sau thông tin bị đưa vào diện cảnh báo. Cả 3 cổ phiếu này đều trắng bên mua và dư bán lên tới cả trăm nghìn cổ phiếu khi kết phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.

Trăn trở vấn nạn thao túng cổ phiếu doanh nghiệp

Ông Lê Nhị Năng - Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM - cho rằng, mặt trái của thị trường suốt thời gian vừa qua là dù chứng kiến sự tăng trưởng nhanh, quy mô lớn, nhưng cũng kèm theo hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Vì thế, Luật Chứng khoán mới đã nâng mức xử phạt lên và có thu lại gấp 10 lần số thu lợi bất chính. Luật có quy định chế tài công ty chứng khoán thành viên vi phạm có thể bị đình chỉ, nhân viên môi giới có thể bị thu hồi chứng chỉ.

“Tôi nghĩ, phải nâng mức xử phạt lên nữa và đào tạo về quy định xử phạt để thị trường nắm bắt. Các cơ chế để kiểm soát đều đã có nhưng chưa có chế phối hợp giữa các bên. Chẳng hạn, luật đã cho phép cơ quan chức năng tiếp cận sao kê về viễn thông của khách hàng nhưng hiện tại, muốn xin thông tin từ công ty viễn thông cũng chưa có cơ chế”, ông Năng nói.

Chia sẻ về tình trạng các nhà đầu tư với kinh nghiệm còn non trẻ, là “mồi ngon” cho những phi vụ lừa đảo lớn, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset - cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân được chia ra thành hai nhóm. Một là nhà đầu tư bình thường với kinh nghiệm 5-10 năm, họ đã có chiến lược đầu tư hợp lý. Hai là các nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm 3 năm trở lại đây. Với nhóm này, họ rất quan tâm tới các thông tin nóng, những thông tin có thể tạo ra lợi nhuận trong vài ngày.

Và với xu hướng chạy theo những cơn “nóng sốt” trên thị trường, nhiều nhà đầu tư “tay mơ” ít thu được kinh nghiệm mà chỉ đi theo đám đông. Chính vì tâm lý này, nhiều doanh nghiệp tự mở nhiều tài khoản chứng khoán giao dịch mã chứng khoán của chính mình nhằm tạo lượt cung – cầu ảo, đẩy giá và làm nhiễu loạn thị trường thu lợi bất chính.

Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm lại thường bật đồ thị kỹ thuật để xem điểm mua điểm bán. Tuy nhiên, cần xem xét tình hình thị trường Việt Nam đang phát triển và vừa xảy ra nhiều sự việc thao túng. Do đó, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư.

Theo Chất lượng và Cuộc sống