Dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức an toàn
Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho thấy, dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, đến thời điểm hiện tại dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019; trong quý I/2020 giảm còn 6,3%; quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%; đến quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6,3% đến 7%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tại hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững... tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: "Dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn".
Cũng theo ông Sinh, nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và nguồn tiền ứng trước của người dân. Chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện huy động vốn một cách phù hợp thông qua các sàn giao dịch chứng khoán, sàn phát hành trái phiếu…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính kinh tế cũng phân tích, cũng đưa ra nhận định: "Ngành bất động sản sẽ tiếp tục dựa vào vốn vay ngân hàng với tỉ trọng khoảng 60 - 65% trong thời gian tới. Dự báo 10 năm tiếp theo, tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn quan trọng nhất, kế đến là trái phiếu và FDI".
Mặc khác, TS. Cấn Văn Lực cũng cho hay, bất động sản sẽ rất thiếu nguồn vốn trung và dài hạn. Bởi hệ thống ngân hàng thương mại không có quá nhiều vốn trung và dài hạn vì bản chất của các ngân hàng là kinh doanh thương mại, chủ yếu huy động vốn ngắn hạn.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15 - 20% vốn trên tổng mức đầu tư dự án, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Do vậy, doanh nghiệp bất động sản muốn có vốn trung và dài hạn buộc phải thu hút từ những kênh khác nhiều hơn.
Để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, một số ngân hàng thương mại cũng đã có những hành động và kế hoạch cho khách hàng giãn, hoãn những khoản nợ.