'Dựa hơi' ông lớn hô bán đất nền, cảnh giác chiêu lừa đảo mới

Sự phát triển nóng của thị trường bất động sản tỉnh lẻ đã khiến cho không ít dự án “ma” dựa vào các ông lớn để trục lợi.

Theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, giao dịch tại các tỉnh Đông Bắc Bộ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… khởi sắc hơn quý III với nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đại diện các đơn vị nghiên cứu như CBRE, Savills khẳng định thị trường BĐS các tỉnh vệ tinh Hà Nội vẫn đang có dư địa phát triển rất mạnh, nhất là với những khu vực có sự phát triển mạnh của hạ tầng và công nghiệp, tuy nhiên điểm đáng quan tâm là thị trường đang thiếu hụt nguồn cung mới.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự bứt phá về kinh tế và hạ tầng, cũng như chính sách thu hút đầu tư cởi mở các tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản tìm đến đầu tư.

Đơn cử, thị trường Thái Nguyên, ba năm gần đây, giá đất không ngừng tăng, có thể kể đến đất thổ cư tăng giá từ 20%, tương đương 12 - 18 triệu đồng/m2, ở những trục đường lớn, khu vực trung tâm, mức giá đẩy lên đến 30 - 40 triệu đồng/m2.

Bắc Giang cũng thành điểm nóng, có lô đất diện tích 592 m2, giá khởi điểm hơn 10,3 tỷ đồng, song qua đấu giá, khách trả gần 22,6 tỷ đồng; lô diện tích 500 m2, giá khởi điểm 8 tỷ đồng, khách trả gần 17,2 tỷ đồng…

Thị trường bất động sản các tỉnh xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên, tỉnh đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng. FLC đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 8.320 tỷ đồng. Mới đây, Danko Group đã chính thức động thổ dự án Danko City với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, quy mô gần 1.600 sản phẩm biệt thự, liền kề, shophouse.

Dự án được xây dựng theo phong cách Châu Âu, với quảng trường, cổng chào rộng 5000m2, sân khấu nhạc nước, Trung tâm thương mại và dịch vụ 5000m2, bến du thuyền Monaco và phố đi bộ The Rome.

Dự án có quy mô khủng là Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc do Tập đoàn Xuân Trường làm chủ đầu tư. Dự án là quần thể khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, bến du thuyền, làng văn hóa các dân tộc, tháp phật giáo cao nhất thế giới (150 m)… có tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, Vĩnh Phúc đã đón nhận hàng loạt các dự án quy mô được triển khai như dự án Trung tâm thương mại thành phố Vĩnh Yên, Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc, khu phố mới Fairy Town, khu nhà ở hỗn hợp An Phú Residence…

Tại các thị trường như Bắc Ninh, Bắc Giang bên cạnh phân khúc đất nền phân khúc chung cư cũng đang phát triển mạnh. Một loạt các chủ đầu tư khác cũng đã nhanh chân xây dựng nhà ở cho chuyên gia nước ngoài như Him Lam Land với dự án Him Lam Green Park, Bách Việt với dự án căn hộ Areca Garden, Tập đoàn Tiến Bộ với dự án chung cư Green City...

Cẩn trọng đầu tư

Tuy nhiên, đằng sau sự đổ bộ ồ ạt của các đại gia địa ốc này, cũng còn nhiều điều cần chú ý. Hiện nay, đâu đó trên thị trường vẫn có những dự án có hạ tầng tốt có mức giá tăng đáng kể 30 - 40%, nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt, không mang tính đại diện cho thị trường. Còn phần lớn các dự án khác có mức giá tăng trung bình từ 5 - 7% trong một năm.

Bà Hoàng Thị Bích Loan, đại diện Công ty TNHH Đấu giá Thành Phát (TP Bắc Giang) chia sẻ, gần đây không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên… tham gia phiên đấu giá mà còn có nhiều người dân, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước cùng tham gia “xáo đất”, khiến cho các phiên đấu giá nóng lên.

'Dựa hơi' ông lớn hô bán đất nền, cảnh giác chiêu lừa đảo mới - Ảnh 1
Đầu tư đất nền, cảnh giác “dựa hơi” ông lớn để trục lợi

Không ít trường hợp không đủ tiền thì cùng nhau hùn vốn hoặc cố vay ngân hàng để tham gia đấu giá với hy vọng sang tay kiếm lời. Vì thế, nếu thị trường BĐS trầm lắng, những trường hợp “ôm” nhiều đất, trong khi tiền đầu tư chủ yếu vay ngân hàng sẽ dễ dẫn đến phá sản, nợ nần chồng chất. Những yếu tố này rất nguy hại đối với nền kinh tế, làm hạn chế nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo ra của cải cho xã hội.

Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam, không phải thị trường nào cũng nóng mà sẽ có sự chọn lọc.“Những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì bất động sản càng có thanh khoản tốt, bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và nhân sự cao cấp là lực đẩy tăng giá cho bất động sản” – bà An cho biết.

Bà An lưu ý để tránh rủi ro, người mua phải đặt vấn đề pháp lý dự án lên hàng đầu. Khi đầu tư vào các dự án nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ tính pháp lý, năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư, quy hoạch của địa phương…

Đánh giá về triển vọng thị trường đất nền các khu vực vệ tinh Hà Nội, ông Dương Đức Hiển - Trưởng Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam khi cho biết: "Nhờ sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, phân khúc đất nền phía Bắc đang trở nên sôi động. Thị trường BĐS đang dần trưởng thành và chuyên nghiệp hơn".

 

Theo Đông Sơn/ VietNamNet

Tin liên quan