'Đùn đẩy trách nhiệm, vừa làm vừa nghe ngóng'... xác định giá đất bị tắc nghẽn
TP. HCM có gần 80.000 nền đất và căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận do cơ quan chức năng khó mời đơn vị tư vấn, thẩm định giá đất, gây ách tắc trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thất thu ngân sách và kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên- Môi trường, hiện TP. HCM có gần 200 hồ sơ dự án tồn đọng chưa xác định được giá đất cụ thể, gồm cả những hồ sơ xác định giá để thực hiện nghĩa vụ tài chính lần đầu và những hồ sơ phải xác định giá để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do được cơ quan nhà nước cho thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Điều đó đã khiến hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn đang trong tình trạng đóng băng hoặc tạm dừng thủ tục pháp lý.
Hiện TP. HCM có gần 80.000 nền đất và căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận có nguyên nhân từ việc chưa xác định được giá đất cụ thể để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, khâu tính tiền sử dụng đất do Sở Tài chính chịu trách nhiệm. Từ năm 2014, theo Luật Đất đai 2013, công tác này được giao về Sở Tài nguyên- Môi trường. Từ thời điểm đó, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển đi lòng vòng nhiều khâu, nhiều nơi. Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian.
TP. HCM có gần 100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động có chức năng thẩm định giá đất. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có chưa đến 10 doanh nghiệp thực hiện công việc này.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường, công tác xác định giá đất bị nghẽn để lại hậu quả rất nặng nề. Nhiều dự án chưa thể triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa hoàn thiện về mặt pháp lý khiến kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu người dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm chậm tiến độ thu ngân sách nhà nước.
Quá trình xác định giá đất bị kéo dài nhiều năm làm tăng chi phí đầu tư, kéo theo giá bất động sản tăng, vượt quá khả năng của người dân có nhu cầu về nhà ở, làm cho tình hình nhà ở đô thị vốn còn hạn chế càng trở nên căng thẳng hơn.
Các doanh nghiệp bất động sản do không thể đưa nguồn hàng ra thị trường để hoàn vốn đầu tư dẫn đến khả năng mất cân đối về tài chính. Người dân đã mua nền đất hoặc căn hộ tại dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai thì bức xúc.
Sự mất niềm tin từ các nhà đầu tư, người dân làm giảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển.
Từ năm 2015 tới tháng 9/2023, qua công tác xác định giá đất, TP. HCM đã cấp 109.826 sổ đỏ và sổ hồng, giúp thu từ tiền sử dụng đất đạt khoảng 86.700 tỷ đồng, trung bình hơn 10.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra có liên quan công tác xác định giá đất với nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau đã làm cho nhiều cán bộ lo ngại. Từ đó, xuất hiện hiện tượng cán bộ tham mưu xác định giá đất không dám đề xuất, né tránh và đùn đẩy trách nhiệm hoặc tham mưu cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng...