Đừng mong cho họ sạt nghiệp!
Tôi luôn căm ghét thói làm ăn gian dối, lừa đảo để làm giàu trên lưng đồng bào mình. Nếu có quyền, tôi muốn xử thật nặng những kẻ như vậy. Trên thực tế họ không chỉ khiến cộng đồng tổn thương, mà còn đang làm đất nước kiệt quệ. Nhưng nhảy từ cực này sang cực khác, có vẻ như là hành xử đang được cổ vũ?
Từ chỗ ghét sự gian dối của một số doanh nhân, chúng ta chuyển sang căm ghét những người giàu có, bất kể họ kiếm tiền bằng cách nào. Chưa hết, xã hội còn đang có xu hướng bôi bác, chế giễu, rủa sả những người tìm mọi cách để kiếm tiền một cách chính đáng.
Đây là một dấu hiệu nguy hiểm.
Chúng ta đừng sớm quên rằng, để có những cái quyền chúng ta đang có, xã hội đã phải trả giá bằng một cuộc vượt cạn đau đớn quằn quại kéo dài. Thời bao cấp, thời kinh tế kế hoạch hóa, thời “giá trị sử dụng của hàng hóa” được coi như một phát kiến vĩ đại, là điển hình của một xã hội “công bằng” theo cách mọi người đều nghèo như nhau. Việc chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận quyền kinh doanh, quyền làm giàu, là một bước tiến lớn và công đó thuộc về cả xã hội.
Ấy vậy mà rất nhiều người lại đang thi nhau tìm cách “kéo cuộc sống đi giật lùi” mà họ không biết, hoặc cố tình không biết. Một mặt họ đòi hỏi xã hội phải cởi mở hơn nữa, quyền kiếm sống, quyền làm giàu của mỗi cá nhân phải được thượng tôn hơn nữa, nhưng mặt khác, bằng hành xử của mình, họ đang nhiệt thành làm triệt tiêu chính thứ mình phải đòi mãi mới được.
Rất nhiều doanh nghiệp đang thực sự tạo ra cho đất nước bộ mặt mới, khả ái và tự tin hơn trước thế giới. Có thể họ chưa thành công, hoặc còn lâu mới thành công. Trong quá trình vươn lên, họ có thể còn gặp chuyện này chuyện khác nhiều khi lỗi không phải hoàn toàn thuộc về họ. Nhưng nếu được làm một cuộc khảo sát, tôi dám khẳng định rằng, quá nửa chúng ta từ trong thâm tâm chỉ chờ họ gặp tai nạn, chờ họ thua lỗ, chờ họ thất bại, ngày đêm chỉ mong cho họ phá sản… để vỗ tay!
Không thiếu các doanh nghiệp đang mạnh dạn đưa ra những ý tưởng sản xuất, kinh doanh táo bạo mà nếu thành công sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, đồng thời làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia. Nhưng, như vẫn xảy ra, sự cổ vũ, khích lệ chưa thấy đâu, thì ngay lập tức đã tràn ngập những lời lẽ miệt thị, tràn ngập sự phỉ báng, tràn ngập vu cáo, tràn ngập những thông tin bịa đặt nhằm gây thiệt hại cho họ hoặc ít nhất cũng khiến họ mệt mỏi, nản chí. Kinh sợ nhất là hàng trăm thuyết âm mưu theo đó cứ hồn nhiên tuôn ra ầm ầm mà không cần biết nó gây hại cho cả chính bản thân người tung tin.
Hãy thử xem chúng ta có thương hiệu hàng hóa nào mang tính quốc tế, kèm theo là hình ảnh quốc gia trong con mắt bạn bè năm châu mà hoàn toàn do người Việt tạo ra? Hiếm quá! Sự thật này có lý do lịch sử của nó. Nhưng phải nói thẳng, nguyên nhân chính là do thói quen dễ thỏa mãn của người Việt.
Ấy vậy mà thảng hoặc một vài doanh nghiệp “không cam chịu số phận” muốn ngoi lên, muốn khẳng định thương hiệu toàn cầu, thì luôn bị chính người Việt rình mò để không bỏ lỡ cơ hội bỉ bôi, “dìm hàng”, hoặc tệ hơn, tìm mọi cách làm cho mất giá. Đừng quên rằng, thương hiệu hàng hóa là sản phẩm tạo ra bởi một doanh nghiệp, nhưng nó luôn là hình ảnh của đất nước tạo ra thứ hàng hóa đó.
Cứ nhìn ra xung quanh mà xem, sẽ thấy đa số các quốc gia phát triển, đều có một xã hội rất khôn ngoan làm nền tảng. Tính khôn ngoan thể hiện đầu tiên ở sự rành mạch. Nhiều ông chủ những tập đoàn lớn của đất nước họ bị họ đưa vào tù vì vi phạm pháp luật, kéo theo hệ lụy là không ít sản phẩm của các tập đoàn ấy bị người tiêu dùng tẩy chay. Nhưng điều ấy không ảnh hưởng gì đến việc họ tự hào và vì thế, bảo vệ bằng mọi giá, các thương hiệu được tạo ra bởi những tập đoàn và các ông chủ tập đoàn đó.
Người Việt cứ luẩn quẩn mãi trong cái ao tù nước đọng, hoặc nếu khá hơn cũng chỉ thoát khỏi bờ mà rất khó vươn ra được đại dương, hóa ra là bởi chính chúng ta không muốn. Đừng dễ dãi và phủi tay đổ lỗi cho ai. Những thế lực thù nghịch thì quốc gia nào cũng có, chứ chẳng riêng quốc gia nào. Chỉ cần va chạm một chút về quyền lợi, hoặc do sự o ép tiêu cực của các yếu tố địa lý, đã đủ tạo ra kẻ ngáng chân, chặn đường rồi. Với vị trí nhạy cảm của mình, chúng ta chắc chắn không là ngoại lệ. Nhưng đó là điều mà chúng ta phải biết chấp nhận để biến thành động lực phát triển. Chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất đúng là tìm ra cách vượt qua nó. Sự khôn ngoan, ý chí thống nhất là hai trong số các phẩm chất, cũng là điều kiện quan trọng để người Việt đạt được điều đó.
Nhưng sự khôn ngoan nằm ở đâu trong những ý nghĩ, mong muốn tối tăm mà tôi đã nói ở trên? Ý chí thống nhất nằm ở đâu trong sự chia rẽ đầy bản năng mà tôi không muốn khoét sâu thêm bằng thứ ngôn từ gây sốc cho cộng đồng?
Trái lại và buồn thay, chỉ cứ thấy muôn vàn biểu hiện của sự ngốc nghếch, của thiển cận, của sự vụn vặt, của thiếu trưởng thành tập thể. “Tự hại mình” là cụm từ chỉ vừa đủ chính xác nhưng chưa đủ sâu sắc và mang tính cảnh tỉnh cho nhiều người, khi diễn đạt thực trạng cay đắng chúng ta đang đối mặt ngày ngày.
Khi bạn miệt thị, chế nhạo và tỏ ra hớn hở trước thất bại của một bà già, ông già về hưu đầu tư chứng khoán, mua trái phiếu… bạn có biết rằng, bạn đang miệt thị một quyền chính đáng mà bạn phải rất vất vả mới có và thể nào cũng có lúc trong đời bạn dùng đến? Đó là chưa kể bạn đang dung túng, bỏ qua cho sự gian dối, bằng cách lên án nạn nhân, thay vì truy tìm giúp họ thủ phạm. Nhưng, và đây mới là điều bạn cần nhớ: Chính hành động bị bạn coi là ngu ngốc của họ, cũng đang góp một chút gì đó thêm vào mâm cơm hàng ngày của bạn?
Bạn đừng quên rằng, khi mong muốn và tìm mọi cách làm cho một doanh nghiệp lụn bại, thậm chí sụp đổ chỉ để thỏa mãn thói đố kị, ghen ghét, là cách bạn tự tước bỏ quyền được hưởng thụ tương xứng nhất thành quả lao động của bạn.
Nếu quên, thì bạn nên học lại rằng, làm cho các doanh nhân nản chí chính là cách bạn bớt xén tương lai của con cháu bạn. Riêng về chuyện này, tôi hoàn toàn đồng ý với Osho, khi ông ấy cho rằng, chỉ cần bỏ đi vài chục cái tên (các chủ doanh nghiệp khổng lồ), nước Mỹ không thể giàu mạnh như hiện nay.
Một trong những “vật cản” che mắt khiến chúng ta thiếu tầm nhìn, là chúng ta quan niệm thô thiển về sự công bằng. Nói thẳng ra rất nhiều người trong chúng ta hậm hực với người giàu và từ trong sâu xa không chấp nhận họ chỉ vì họ giàu hơn đa số còn lại. Công bằng là cần thiết, là lý tưởng nhân loại mãi hướng tới. Của cải chắc chắn phải được phân phối lại. Nhưng để có thứ mà chia nhau, như Osho đã chỉ ra, đầu tiên phải làm ra nó đã.
Hãy cùng nhau tìm mọi cách làm ra của cải, trước hết cho mình và gia đình, sau đó là cho xã hội. Còn nếu không thể tự làm, hoặc không thể làm tốt được vì nhiều lý do, thì hãy tạo mọi thuận lợi, hãy cổ vũ, hãy khích lệ để người khác có hứng thú làm. Có thể bạn không cần điều đó nhưng rất nhiều người cần. Tương lai của bạn chưa bao giờ tách khỏi tương lai của xã hội, ngoại trừ bạn muốn nó trở nên mù mịt. Nhưng nếu đó vẫn là lời cảnh báo quá cao xa, quá khó hiểu, thì tôi có sẵn điều gần gũi, dễ hiểu hơn cho bạn: Mỗi thành viên trong xã hội, trong khi thực thi quyền kiếm sống không thể tranh cãi, không thể bị tước đoạt để phục vụ tốt hơn cuộc sống của bản thân và gia đình, họ cũng đang góp phần xây dựng quốc gia hùng cường, kiến tạo cả tương lai cho bạn, dù không bao giờ bạn biết hoặc cảm thấy.
Vì thế, không chỉ với các doanh nghiệp làm ăn chính đáng một cách rõ ràng, mà trong mọi trường hợp, đừng bao giờ mong cho họ sạt nghiệp. Đừng bao giờ cả.
Đó chính là đạo lý, đạo làm người lớn nhất trong thời buổi ngày nay.
Hà Nội đầu đông 2022.