Dùng tiền ngân sách mua trạm BOT: Định giá thế nào?

Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT sẽ thu hút thêm nhà đầu tư, nhưng định giá thế nào để không bị hớ, tránh lợi ích nhóm?

Trước sự bức xúc của doanh nghiệp và người dân về trạm thu phí BOT dày đặc trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ dùng ngân sách để mua lại một số trạm thu phí trên địa bàn.

Bình Dương phấn đấu trong tương lai trên toàn tỉnh chỉ còn lại 2 trạm thu phí BOT đặt trên quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn và chỉ thu phí phương tiện đi ra chứ không thu phí vào.

Ngày 12/11/2020, trao đổi với Đất Việt về chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB GTVT bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng nếu Bình Dương thực hiện được đúng như điều đã nói thì sẽ là tin vui không chỉ cho người dân và còn cho doanh nghiệp.

Dùng tiền ngân sách mua trạm BOT: Định giá thế nào? - Ảnh 1
Trạm thu phí BOT An Phú đã được tỉnh Bình Dương mua lại.

"Trước đây, khi ngân sách không đủ để đầu tư hạ tầng giao thông nên mới kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án BOT. Nhưng sau thời gian hoạt động, BOT đã bộc lộ nhiều bất cập và cơ quan chức năng đã nhận thấy rõ hệ lụy mà dự án BOT đem lại.

Đến bây giờ, địa phương nào có đủ tiềm lực tính tới chuyện mua lại các trạm thu phí BOT sẽ là tín hiệu tốt. Việc đó không chỉ giúp người dân địa phương đó tiết kiệm kinh phí đi lại mà cả môi trường đẩu tư cũng được cải thiện, thu hút thêm các nhà đầu tư mới đến địa phương để hoạt động" - ông Thủy nói.

Nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, Bình Dương là một tình có nguồn thu ngân sách lớn. Điều này đến chủ yếu từ việc địa phương hình thành lên các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ. Chính vì thế, việc Bình Dương tính tới chuyện mua lại các trạm thu phí BOT càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ông Thủy lo ngại tới vấn đề định giá các trạm thu phí BOT trước khi đàm phán mua lại từ các nhà đầu tư.

"Việc triển khai thu phí không dừng từ trước đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Điều đó dẫn tới việc công khai thông tin thu hồi vốn từ các nhà đầu tư BOT bị đặt dấu hỏi.

Chính vì vậy, trước khi mua lại các trạm thu phí BOT, Bình Dương cần phải tiến hành định giá kỹ lưỡng về tổng vốn đầu tư dự án mà nhà đầu tư bỏ ra, từ khi dự án đó đi vào hoạt động nhà đầu tư đã thu được bao nhiêu tiền phí, hiện trạng chất lượng dự án đó như thế nào... để đưa ra một mức giá hợp lý nhất để có thể thuyết phục được nhà đầu tư bán lại. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng cần xin ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan và các cấp lãnh đạo" - ông Thủy cho hay.

Ông Thủy đưa ra kiến nghị, Bình Dương mời một cơ quan định giá tài sản độc lập để định giá các trạm thu phí một cách khách quan, thậm chí mời cả đại diện nhân dân cùng tham gia định giá để minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần giám sát lại quá trình mua - bán các trạm thu phí BOT ở Bình Dương.

"Nếu việc định giá các trạm thu phí có thể dẫn tới 2 khả năng. Một là lợi ích nhóm, giá trạm thu phí được định giá cao hơn với giá trị thực tế và bên bán có thể sẽ hồi lại một khoản tiền nhất định cho một nhóm người ở bên mua. Hai là giá trạm thu phí có thể cao hơn giá trị thực tế dẫn tới mua "hớ" khiến thất thoát ngân sách" - vị chuyên gia chỉ rõ.

Ngọc Vân

Theo Báo Đất Việt