Đường 43.700 tỷ gặp sự cố: Sự im lặng của tổng thầu

Hơn 1 tháng sau khi xảy ra sự cố dầu cầu cạn tuyến metro số 1, tổng thầu Liên danh SCC vẫn chưa có văn bản báo cáo nguyên nhân.

Sự cố dầm cầu cạn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị rớt gối cao su thuộc gói thầu CP 2 hiện đã được khắc phục. Tuy nhiên, tổng thầu phía Nhật Bản chưa có báo cáo chính thức gửi BQL Đường sắt đô thị TP. HCM để xác định nguyên nhân sự việc.

BQL Đường sắt đô thị TP. HCM cho biết, sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã liên liên tục phát hành văn bản cũng như thường xuyên tổ chức các cuộc họp đôn đốc tổng thầu báo cáo nguyên nhân, trình các hồ sơ thiết kế, kết quả thí nghiệm vật liệu, biện pháp thi công, nghiệm thu lắp đặt liên quan đến gối cầu.

Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng, tổng thầu vẫn không có báo cáo nguyên nhân, không trình nộp đúng thời hạn các hồ sơ. Theo BQL Đường sắt đô thị TP. HCM, chỉ đưa ra các giải thích/nhận định ban đầu rất sơ sài và không thuyết phục nhằm mục đích chuyển hướng sự việc, kéo dài thời gian, chối bỏ trách nhiệm với vai trò tổng thầu.

Mới đây BQL Đường sắt đô thị TP. HCM tiếp tục có công văn thúc tổng thầu Liên doanh SCC báo cáo nguyên nhân sự cố.

Sự cố rớt gối cao su tuyến metro số 1 được khắc phục xong nhưng tổng thầu chưa báo cáo nguyên nhân.  
Sự cố rớt gối cao su tuyến metro số 1 được khắc phục xong nhưng tổng thầu chưa báo cáo nguyên nhân.  
 

Sáng ngày 7/12/2020, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Văn Đức - chuyên gia cầu đường cho biết, gối cao su ở khu vực dầm cầu tiếp giáp với mố trụ cầu có vai trò kết nối dầm và mố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rớt gối cao su như trong quá trình thi công lắp bị lệch hoặc gối cao su đó có chất lượng chưa tốt.

Đặc biệt, có thể xảy ra trường hợp mố trụ cầu sau khi lắp đặt có thể bị lún khiến phần tiếp giáp với dầm cầu bị rời ra khiến gối cao su bị hở.

"Muốn tìm hiểu được nguyên nhân chính xác thì cần phải có đánh giá một cách toàn diện, từ khâu thiết kế, thi công, cốt nền tại địa điểm xảy ra sự cố và chất lượng của bê tông, gối cao su.

Cũng có trường hợp, bê tông co dãn dẫn tới phần mố trụ và phần dầm tách nhau ra dẫn tới hiện tượng xô lệch. Nếu vì nguyên nhân này thì đây là điều hệ trọng, cần phải kiểm tra toàn diện lại cả khu vực toàn dự án" - ông Đức cho biết.

Theo vị chuyên gia, việc kiểm tra làm rõ nguyên nhân sự cố không phải có thể kết luận trong "một sớm một chiều" là xong nhưng với vai trò tổng thầu của dự án, đơn vị phải thường xuyên báo cáo tiến độ kiểm tra, đồng thời giải thích các bước kiểm tra để chủ đầu tư nắm được tình hình.

Thông thường, phải tìm ra được nguyên nhân chính xác sự cố thì mới có hướng sửa chữa cụ thể. Chứ khó có chuyện "làm ngược": sửa chữa trước tìm nguyên nhân sự cố sau. Vị chuyên gia nói: "Nếu chưa tìm được ra nguyên nhân chính xác mà đã sửa xong thì có thể gối cầu tiếp tục bị rời ra".

Đồng thời, ông Đức cũng cho rằng: "Dự án tuyến metro số 1 đã chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, giờ lại gặp phải sự cố này chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc một lần nữa bị kéo dài thời gian hoàn thành. Tuy nhiên, với dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng thì sự an toàn, chất lượng công trình là điều quan trọng nhất".

Theo ông Đức, với vai trò là chủ đầu tư dự án, BQL Đường sắt đô thị TP. HCM hoàn toàn có thể dùng các rào cản về tiến độ thanh toán, các điều quy định trong hợp đồng đã ký kết để buộc tổng thầu phải tìm ra nguyên nhân chính xác sự cố, hướng khắc phục và cam kết chất lượng của công trình trong thời gian nhất định.

Được biết, tuyến metro số 1 dài 19,7 km, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Theo dự kiến, dự án đến năm 2018 sẽ đi vào hoạt động nhưng sau đó chậm tiến độ.

Đến tháng 11/2020, công trình đạt hơn 78% tổng khối lượng. TP. HCM đặt mục tiêu cuối năm nay, dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Ngọc Vân

Theo Báo Đất Việt