Thấy sai phạm dự án Nhổn-ga Hà Nội do lắng nghe dân...

Ông Nguyễn Túc đánh giá, việc TTCP công bố kết luận sai phạm là kết quả của việc biết dựa vào dân, lắng nghe dân để xử nghiêm các sai phạm.

Thanh tra Chính phủ vừa công khai hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội theo đơn thư tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

Hoan nghênh kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với một dự án lớn như dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng đây là kết quả của việc biết dựa vào dân, lắng nghe dân để phòng chống tham nhũng, lãng phí, sai phạm, qua đó xử nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhắc lại câu nói được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết lúc sinh thời: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong", ông Nguyễn Túc khẳng định, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sai phạm, cần dựa vào dân bởi lẽ, chỗ nào cũng có dân, có tai mắt của dân nên người dân giám sát được. Thực tế đã chứng minh điều này.

Cho nên, ngoài quy chế dân chủ "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và tại  kỳ Đại hội XIII lần này bổ sung thêm nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng", theo ông Túc, cần công khai hơn nữa những việc liên quan đến tiền tài, vật chất.

Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thẳng thắn, từ khi Đổi mới đến nay, những sai phạm của cán bộ chủ yếu liên quan đến vật chất, tiền, tình, tham nhũng là nhiều. Do đó, cần thực hiện thật tốt vấn đề công khai, dân chủ, nhất là những vấn đề có liên quan đến lợi ích vật chất để dân biết, dân giám sát. Có như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng mới thành công được.

Những sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội được phát hiện nhờ tố cáo của người dân. Ảnh: VNE  
Những sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội được phát hiện nhờ tố cáo của người dân. Ảnh: VNE  
 

"Con người ta để chiến thắng được những ham muốn vật chất tầm thường, ngoài việc giáo dục, bản thân phải tự rèn luyện, tu dưỡng thì cần có sự giám sát của các tầng lớp nhân dân. Có như vậy mới giúp cho mỗi cán bộ giữ được phẩm chất đạo đức của mình", ông Nguyễn Túc tâm tư.

Một điểm được ông Nguyễn Túc nhiều lần lưu ý, đó là chúng ta khuyến khích người dân nói, nhưng phải có người lắng nghe, tiếp thu và phản hồi lại những ý kiến.

Như trong trường hợp dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, ông Lương Xuân Bình đã có nhiều năm tố cáo các sai phạm tại dự án này. Theo chia sẻ của ông Bình trên báo Dân trí, từ năm 2014-2016, ông vẫn đang "báo cáo" và "kiến nghị", chứ không phải "tố cáo". Tuy nhiên, Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc và kết luận các việc làm của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đúng pháp luật, buộc ông "phải tiếp tục đấu tranh".

Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn công tác để gặp gỡ trao đổi thông tin, tài liệu với ông Lương Xuân Bình trong khoảng 2 tháng, trước khi chính thức có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thanh tra đột xuất dự án này.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận thanh tra một số nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình về dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Tuy nhiên, ông Bình tiếp tục có đơn thư, kèm theo hồ sơ, chứng cứ gửi tới lãnh đạo Chính phủ và cơ quan chức năng liên quan nên Thanh tra Chính phủ tiếp tục được giao làm rõ thêm.

Từ trường hợp cụ thể nêu trên, ông Nguyễn Túc lo ngại, hiện nay có tình trạng có cán bộ trong cơ quan, kể cả cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhận thấy những tố cáo mà người dân đưa ra là có cơ sở nhưng không dám đưa ra vì sợ "đấu tranh thì tránh đâu".

"Tôi biết nhiều trường hợp trong nội bộ nói riêng với nhau chuyện tố cáo là có thật, nhưng khổ nỗi thủ trưởng của họ lại là người dính chàm, nếu nói ra là bị đuổi việc ngay.

Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sai phạm còn rất gay go. Không phải tất cả các cấp ủy đều đã thể hiện quyết tâm. Nhiều tổ chức, bộ máy, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thờ ơ trước những phản ánh, trước đau khổ, bức xúc của người dân", ông Nguyễn Túc chỉ rõ.

Cuối cùng, ông Nguyễn Túc đề nghị, khi người dân đã không quản ngại thiệt thòi về bản thân mình thì bên cạnh việc lắng nghe, tiếp thu và làm rõ đơn thư tố cáo của người dân, cần đảm bảo quyền lợi cho người tố cáo sai phạm.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt