Đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD, chạy 350km/h: Hành trình 'ra Bắc, vào Nam' chỉ còn 5 tiếng?
Với tốc độ 350km/h, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển giữa 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM chỉ trong 5 giờ.
Ngày 26/3 vừa qua, phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia đã được diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Phiên họp có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Ban chỉ đạo để trao đổi về các vấn đề giao thông đường sắt như: Đường sắt tốc độ cao có kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá hay không; giải pháp công nghệ, tốc độ phù hợp và kinh nghiệm phát triển của các nước; lộ trình triển khai, các đoạn tuyến ưu tiên...
Về dự án đường sắt Bắc - Nam, Bộ GTVT giữ nguyên phương án về tốc độ đường sắt cao tốc Bắc - Nam là 350km/h. Tuyến đường sắt cao tốc này cũng sẽ phục vụ cả hành khách và hàng hóa khi cần. Trong khi đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang vận tải là chủ yếu.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan đã rà soát và hoàn thiện kế hoạch huy động vốn, đánh giá ảnh hưởng đến nợ công, phát triển nguồn nhân lực và hướng phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có phản hồi về kiến nghị dành thời gian cho chuyên gia nghiên cứu, học tập ở nước ngoài phục vụ cho quá trình xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Bộ đã tổ chức đoàn công tác liên ngành trực tiếp khảo sát tại 5 quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc phát triển trên thế giới để hoàn thiện đề án chủ trương đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Về kịch bản xây đựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về 3 kịch bản đường sắt Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Qua cuộc họp ngày 26/3, có thể thấy đến nay Bộ Giao thông Vận tải tập trung vào kịch bản 3.
Theo các chuyên gia, khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động với tốc độ trung bình 350km/h, quãng đường 1.540km từ Hà Nội vào TP. HCM chỉ mất khoảng gần 6 tiếng (tính cả giờ dừng đỗ ở các ga), quãng đường từ Hà Nội vào Vinh - Nghệ An mất hơn 1 tiếng. Do vậy, thay vì lựa đi máy bay và đường bộ thì người dân có thể lựa chọn đi tàu tốc độ cao để đảm bảo thời gian và sự tiện lợi.