Đường trọng điểm 86.000 tỷ Vùng Thủ đô sau 2 năm khởi động đạt 8,9% tiến độ, mục tiêu hoàn thành năm 2026 có khả quan?
Dự án giao thông trọng điểm kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương lân cận có tổng chiều dài hơn 112km đã được khởi động từ năm 2022.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội kết nối với các địa phương khác trong khu vực. Theo đó, đường Vành đai 4 đi qua địa phận của TP. Hà Nội và 2 tỉnh là Hưng Yên, Bắc Ninh. Tuyến đường cũng sẽ kết ối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng.
Theo phương án thiết kế, đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8km. Trong đó, chiều dài tuyến đường địa phận Hà Nội là 58,2km; địa phận Hưng Yên là 19,3km và địa phận Bắc Ninh là 35,5km. Tuyến đường có quy mô 6 làn xe, tốc độ 100km/h.
Tại Hà Nội, dự án đi qua các quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Tại Hưng Yên, dự án đường Vành đai 4 đi qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm. Còn tại Bắc Ninh, tuyến đường đi qua huyện Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ và TP. Bắc Ninh. Điểm đầu của dự án thuộc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, Bắc Ninh).
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai theo 7 dự án thành phần và vận hành độc lập. Trong số đó, TP. Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần, bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội; đầu tư xây dựng về hệ thống cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Về phía Hưng Yên và Bắc Ninh, mỗi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về 2 dự án thành phần, đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành địa phận của mỗi tỉnh.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi động từ năm 2022, khởi công ngày 25/6/2023 và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2027. Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 đang được các địa phương liên quan tích cực triển khai, đồng thời bàn giao mặt bằng để thi công và bảo đảm về tiến độ đã đề ra. Tính đến cuối tháng 4/2024, tiến độ thi công xây lắp của dự án đã đạt 8,9%.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cũng cho biết, tính đến nay, dự án đường Vành đai 4 đã phê duyệt, thu hồi đất được 763,86/791,21ha, đạt 96,54%, chỉ còn lại 27,35 ha. Hơn nữa, các địa phương cũng đã thi công xây dựng 13/13 khu tái định cư.
Dự án hiện cũng đang được tổ chức triển khai đồng loạt về 32 mũi thi công dự án thành phần 2.1 đường song hành. Tuyến đường song hành này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh, đồng thời tạo không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án còn góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế, bất động sản tại nhiều quận, huyện ở phía Bắc Thủ đô.
Trước đó, vào tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên đề nghị thống nhất giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc áp dụng cho dự án thành phần 3 (dự án được đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP) thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Theo đề xuất, dự án thành phần 3 có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027 và lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/lần cho đến khi hoàn vốn.