Duyên 'mở đường' của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng
Sự nghiệp của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng là chuỗi ngày “mở đường” cho chính bản thân ông, cho nhà đầu tư và cho thị trường chứng khoán.
Trước “duy”, sau mới “hưng”
Chứng khoán, cho đến nay, vẫn là một ngành còn xa lạ với nhiều người và chịu nhiều định kiến. Cũng dễ hiểu, bởi ngành này tại Việt Nam mới có tuổi đời chưa đầy 30 năm, lại biến động mạnh, từng giúp không ít người “một bước lên mây” nhưng cũng khiến nhiều người mất tiền, mang nợ. So với các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư bất động sản, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đầy rủi ro và bị nhiều người coi là “không chính thống”.
Thế nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của các công ty chứng khoán tại Việt Nam mới thấy ngành này không còn dừng lại ở mức “tiềm năng” nữa mà đã lớn mạnh tới ngạc nhiên. Trường hợp của Công ty Chứng khoán SSI là một điển hình. Quy mô vốn chủ sở hữu của SSI hiện lên đến trên 24.800 tỷ đồng, bỏ xa đa số các công ty bất động sản và lớn hơn không ít ngân hàng. Còn xét theo quy mô vốn hóa trên thị trường chứng khoán, SSI hiện có giá trị trên 50.000 tỷ đồng, lớn hơn 15/27 ngân hàng niêm yết, vượt xa nhiều tên tuổi như TPBank, SHB, Eximbank, OCB, MSB.
SSI có thể nói là “anh cả” của ngành chứng khoán Việt Nam, không chỉ bởi hiện giờ công ty chứng khoán này có quy mô vốn hoá lớn nhất ngành, mà còn bởi SSI là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam và đã trở thành “cái nôi” cho nhiều doanh nhân khác trưởng thành và “ra riêng”, điển hình là bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Trong 6 công ty chứng khoán đồng hành với thị trường chứng khoán từ ngày đầu, SSI là công ty chứng khoán duy nhất không có sự hậu thuẫn của ngân hàng và cổ đông Nhà nước.
Khi nhắc đến hành trình phát triển của SSI nói riêng và ngành chứng khoán Việt Nam nói chung, không thể không nhắc đến cái tên Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT SSI. Vai trò của ông Hưng không chỉ nằm ở việc “làm chủ” một công ty chứng khoán mà bản thân ông là một trong những người tích cực đóng góp vào sự vận hành và định hướng phát triển cho thị trường - điều mà ông buộc phải làm khi quyết định tham gia vào thị trường chứng khoán từ lúc thị trường còn là con số 0 tròn trĩnh.
Chiêm nghiệm lại hành trình khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng, từ một cậu sinh viên xuất sắc được Nhà nước cử đi du học nhưng lại bị đuổi học vì buôn bán, tới quá trình tìm tòi và cùng tạo dựng ngành chứng khoán, có thể thấy “cái tên vận vào cuộc đời” ông Nguyễn Duy Hưng: Trước “duy”, sau mới “hưng”.
“Duy” ở đây là duy nhất, bởi các bước ngoặt trong con đường sự nghiệp của ông Nguyễn Duy Hưng đặc biệt tới mức “không giống ai”. Thoạt đầu, con đường mà ông Hưng đi cũng na ná như các doanh nhân đình đám khác tại Việt Nam, đó là sang Đông Âu du học mà với trường hợp của ông Hưng là Đông Đức, sau đó bén duyên với kinh doanh. Thế nhưng, ông lại bị… đuổi học do mua quá nhiều phim và giấy ảnh từ Đông Đức đem về Việt Nam bán kiếm tiền.
Sau quãng thời gian vật lộn để vượt qua cú sốc trên, ông Hưng bắt đầu lại bằng việc học Đại học Tổng hợp TP. HCM. Ông ví von rằng mình “đang từ ‘Thiên đường’ trường đại học châu Âu rơi xuống ‘Địa ngục’ ký túc xá sinh viên ở Sài Gòn” và cảm thán rằng “cảm giác đang là cứu cánh của cả nhà trở thành gánh nặng của gia đình”. Tốt nghiệp xong, ông về giúp mẹ ông trông xe đạp ở cổng UBND tỉnh Khánh Hòa.
Rồi một cơ duyên hiếm có tới mức mà có lẽ chỉ xảy ra duy nhất với ông Nguyễn Duy Hưng mà khó có thể tìm đến những người khác, đó là ông trở thành thư ký của ông Võ Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, sau một lần “phiên dịch hộ” tại buổi làm việc của UBND tỉnh Khánh Hòa với đoàn khách Đức muốn viện trợ cho Việt Nam. Công việc của ông Hưng là phụ trách về đầu tư nước ngoài của tỉnh.
Sau khi rời công việc Nhà nước, vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư nước ngoài giúp ông Hưng mạnh dạn thành lập Pan Pacific vào năm 1992 với hoạt động chính là giúp nhà đầu tư nước ngoài có được giấy phép đầu tư tại Việt Nam - một công việc mà hiếm có người Việt nào làm tại thời điểm đó. Tuy nhiên sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á giai đoạn 1995 - 1996 đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài không còn tìm đến Việt Nam. Pan Pacific của ông Hưng phải chuyển hướng sang làm… dịch vụ lau chùi vệ sinh các tòa nhà cao ốc, nhà máy xí nghiệp. Mặc dù công việc kinh doanh không tệ nhưng ông Hưng vẫn quyết định nhường lại quyền điều hành công ty cho 2 người em mới đi du học về để tìm kiếm chân trời mới.
Lại một lần nữa, kinh nghiệm làm việc tại Nhà nước và kiến thức về thị trường tài chính tiếp nhận trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài giúp ông Hưng có cơ hội tiếp xúc với các lãnh đạo như ông Lê Văn Châu (người sau đó trở thành Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên) và thuyết phục thành công các lãnh đạo cho phép mở công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, ở một thời kỳ mà “thị trường chứng khoán Việt Nam là khái niệm mơ hồ hơn mọi thứ mơ hồ”, như lời ông Hưng kể. Phải đến tận giai đoạn 2006 - 2008 khi “cơn sóng thần” chứng khoán ập tới trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), SSI mới thực sự bước vào thời kỳ hưng thịnh.
Còn Pan Pacific, sau quãng thời gian làm dịch vụ vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, nay đã trở thành một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Việt Nam với cái tên mới PAN Group.
Trăn trở
Hành trình “from Zero to Hero”, từ công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam đến công ty chứng khoán duy nhất được trao danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” ở thời điểm hiện tại, là “trái ngọt” từ những nỗ lực “tự mở đường” không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Duy Hưng trên con đường lập nghiệp đầy gập ghềnh nhưng “trong nguy có cơ”. Dẫu vậy, đến khi đã mang danh “ông trùm” chứng khoán Việt, vị doanh nhân này lại trở thành tâm điểm của những tin đồn.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2024, ông Nguyễn Duy Hưng dính tin đồn bị bắt và đã phải sớm đăng hình ảnh chân dung lên trang facebook cá nhân để dập tắt tin đồn. Các tin đồn, thuyết âm mưu xoay quanh ông Hưng nhiều vô kể. Ngoài tin đồn bị bắt thì tin đồn Chủ tịch SSI “lái” giá cổ phiếu cũng rất phổ biến trong hàng chục năm qua. Hồi năm 2008, vị doanh nhân này đã dính phải tin đồn bị bắt vì những vi phạm trong hoạt động chứng khoán và phải ra mặt phủ nhận tin đồn bị bắt, đồng thời nhấn mạnh rằng ông cũng không bị cơ quan điều tra triệu tập, trong bối cảnh tỷ trọng giao dịch của cổ phiếu SSI chiếm tới 13,5% tổng lượng giao dịch toàn sàn HoSE thời điểm đó.
Tâm sự nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2 năm trước, doanh nhân Nguyễn Duy Hưng bày tỏ: “Tin đồn là thứ thường xuyên xảy ra trong các ngành nghề liên quan đại chúng, ngành chứng khoán không là ngoại lệ, nên mọi thành viên đều phải thích nghi với thực trạng này. Thật giả của mỗi tin đồn đều sẽ phơi bày sau một thời gian không lâu. Tôi yêu nghề chứng khoán nên luôn chấp nhận mọi thứ thuộc về nó. Mà đã là yêu thì chẳng bao giờ muốn rời bỏ kể cả nhiều lúc nó không theo ý mình, thậm chí còn làm tổn thương mình!”.
Ở một vài thời điểm, tin đồn có thể khiến ông Hưng trăn trở. Nhưng với những ai dõi theo vị doanh nhân này nhiều năm, có thể thấy điều mà ông Hưng thực sự trăn trở là thị trường chứng khoán Việt Nam phải trở thành nơi huy động vốn cho nền kinh tế và để làm được điều này, phải nâng cao niềm tin của nhà đầu tư trong nước và để có được niềm tin ấy, phải tăng cường sự minh bạch trên thị trường.
Theo “ông chủ” SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam tồn tại và phát triển được hay không đều phụ thuộc vào nhà đầu tư. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài nhưng yếu tố quan trọng nhất là việc thay đổi tư duy của nhà đầu tư trong nước, để người dân chuyển một phần tiền từ các tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán. Ông Hưng cho rằng đây mới là kênh quan trọng nhất để huy động vốn trên thị trường, chỉ khi thu hút được dòng vốn này thì thị trường chứng khoán mới có thể thực sự phát triển bền vững.
Nhưng thay đổi tư duy của nhà đầu tư trong nước là một hành trình dài. Trên hành trình này, SSI của ông Hưng đang mở một hướng tiếp cận mới, đó là tiếp cận thế hệ trẻ, trước mắt là thông các các chương trình đầu tư, tài chính kết hợp giải trí và công nghệ dành cho sinh viên của các trường đại học. Đây là hướng đi tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng là một bước đi khôn ngoan bởi giới trẻ ngày nay là tương lai của thị trường chứng khoán, không chỉ vì thu nhập của họ sẽ nâng dần theo tuổi tác, mà còn vì thế hệ này sẽ dần kế thừa tài sản từ thế hệ trước - những người đa số lập nghiệp từ “hai bàn tay trắng”.
Không thể phủ nhận sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam là thành công nổi trội nhất của thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường