EVN báo cắt giảm năng lượng tái tạo, BB Group thoái vốn khỏi cụm quang điện Mỹ Sơn

Sau 4 tháng thâu tóm bộ đôi dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2, đến tháng 4/2021, BB Group đã chuyển nhượng 70% vốn 2 công ty này cho nhà đầu tư Thái Lan với giá 48,1 triệu USD trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải cắt giảm khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo.

Bất ngờ thoái vốn khỏi cụm quang điện Mỹ Sơn

Vào tháng 4/2021, BG Energy Solution - công ty liên kết của Công ty TNHH Bangkok Glass Public và Công ty TNHH BG Container Glass (công ty con của Bangkok Glass Public) đã mua lại 70% cổ phần của CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (Mỹ Sơn 1) và CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (Mỹ Sơn 2)  từ nhóm BB Group. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ này là 48,1 triệu USD, tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng. Trong đó, BG Energy Solution chi lần lượt 26,3 triệu USD cho 70% cổ phần của Mỹ Sơn 1 và 21,8 triệu USD với 70% cổ phần của Mỹ Sơn 2.

Sau khi thương vụ hoàn tất, vị trí Chủ tịch HĐQT của Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 đã được chuyển giao cho bà Amarat Puvaveeranin (SN 1957, quốc tịch Thái Lan). Trong khi đó, ông Đặng Thanh Bình - người của BB Group - giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc tại hai doanh nghiệp này.

EVN báo cắt giảm năng lượng tái tạo, BB Group thoái vốn khỏi cụm quang điện Mỹ Sơn - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, vào tháng 12/2020, nhóm cổ đông liên quan tới BB Group là CTCP BB Power Holdings, bà Vũ Thị Hà và bà Vũ Thị Thu Hằng đã mua lại toàn bộ số cổ phần chi phối tại Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 từ CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn - thành viên của Hoàng Sơn Group. Thời điểm này, BG Energy Solutions đã sở hữu cùng tỷ lệ 17,5% tại Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2.

Trước khi về tay BB Group, Mỹ Sơn 1 vào ngày 26/8/2020 đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu trị giá lần lượt 300 tỷ đồng (mã MS1-H2023-001, kỳ hạn 3 năm), 220 tỉ đồng (mã MS1-H2026-002, kỳ hạn 6 năm) và 430 tỷ đồng (mã MS1-H2030-003, kỳ hạn 10 năm). Mỹ Sơn 2 cũng phát hành được 2 lô trái phiếu trị giá lần lượt 380 tỷ đồng (kỳ hạn 6 năm) và 370 tỉ đồng (kỳ hạn 10 năm).

Đến cuối tháng 8/2021, Mỹ Sơn 1 đã thực hiện mua lại tổng cộng 190 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, trong đó có 50 tỷ đồng trái phiếu mã MS1-H2023-001, 50 tỷ đồng trái phiếu mã MS1-H2026-002 và 90 tỷ đồng trái phiếu mã MS1-H2030-003. Như vậy, khối lượng trái phiếu đang lưu hành của Mỹ Sơn 1 hiện còn 760 tỷ đồng (theo mệnh giá).

Được biết, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2 (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) có tổng diện tích khoảng 140ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Trong đó, Mỹ Sơn 1 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 31/8/2017. Dự án có công suất 50MW, diện tích sử dụng đất là 80ha, giá trị tổng mức đầu tư gần 1.363 tỷ đồng.  Mỹ Sơn 2 (cũng tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 20/10/2017. Dự án có quy mô công suất 50 MW, tổng diện tích đất sử dụng là 70ha và 1.407,38 tỷ đồng tổng mức đầu tư sau thuế (bao gồm lãi vay). 

Tính đến cuối tháng 7/2020, nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (khởi công vào tháng 5/2018) và nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (khởi công vào tháng 1/2019) đã đóng điện.

Động thái thoái vốn khỏi cụm quang điện Mỹ Sơn của BB Group diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải cắt giảm khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo do quá tải đường dây 500 kV trong năm 2021. Trong trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vận hành sớm so với tiến độ dự kiến, sản lượng cắt giảm sẽ còn cao hơn.

Trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy ĐMT và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các NMĐ gió.

Bộ Công Thương cho rằng việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Trong 4 tháng đầu năm, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện NLTT (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy ĐMT và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các NMĐ gió).

BB Group thâu tóm loạt dự án năng lượng tái tạo

BB Group được thành lập vào tháng 4/2017, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ Quang Bảo nắm giữ cổ phần chi phối lên tới 65%, phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Tư Huy và bà Vũ Thị Thu Hằng với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 15% vốn điều lệ.

Đầu năm 2019, pháp nhân phụ trách mảng năng lượng của BB Group là CTCP BB Power Holdings đã mua lại Công ty TNHH Thuỷ điện Sông Lô 2 (vốn 450 tỷ đồng). Dù vậy, khác với Bitexco tập trung vào mảng thuỷ điện, thì BB Group thông qua BB Power Holdings đang không giấu diếm tham vọng lớn với năng lượng tái tạo. 

Cụ thể, đầu tháng 10/2020, BB Power Holdings gây chú ý khi được nhắc đến trong thương vụ mua cổ phần chi phối tại doanh nghiệp dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải (Gia Lai), nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp kín tiếng này hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần chi phối tại dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2  từ của Hoàng Sơn Group.

Chưa dừng lại ở đó, cũng trong tháng 10/2020, Công ty TNHH MTV Sunrise Power Đăk PSI - một thành viên khác của BB Group từng mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ (Thiên Niên Kỷ) – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 (Bình Thuận). Dự án này có công suất lắp đặt 48 MW, được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2018. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2018, song lỡ hẹn hưởng giá mua ưu đãi (30/6/2019) do nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan, tác động vào đất đai cũng như vướng một số thủ tục liên quan khác.

BB Group cũng đã tiếp tục M&A thành công dự án CTCP Năng lượng Gio Thành – chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 với quy mô 50MW. 

Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và 2 thuộc địa bàn xã Gio Thành và Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh hoạ.    
Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và 2 thuộc địa bàn xã Gio Thành và Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh hoạ.    
BB Group còn hiện diện tại CTCP Seco khi sở hữu 3,43% vốn điều lệ công ty (tính tới tháng 1/2021). Seco là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 2 (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có quy mô 60 ha, thời gian hoạt động là 50 năm. Công suất thiết kế 50MWp với tổng mức đầu tư gần 1.110 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Lực – mắt xích trong hệ sinh thái của BB Group, tính đến tháng 12/2020 cũng đang nắm 17% vốn CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt – chủ đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Hiệp (tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), được cấp chủ trương đầu tư ngày 25/1/2019. Dự án có tổng diện tích 55,927 ha, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Đầu năm 2021, 'ông trùm' năng lượng tái tạo BB Group cũng đã 'tậu' thêm một dự án điện mặt trời về tay mình.

Cụ thể, vào cuối tháng 2/2021, Nam Việt Energy cùng hai cá nhân liên quan đã chuyển hết cổ phần trong Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm cho BB Power Holdings cùng hai nhà đầu tư có nhiều liên hệ là ông Nguyễn Tiến Lực và ông Nguyễn Quang Thịnh.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, BB Group cùng hệ sinh thái của mình đã M&A thành công khá nhiều dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ