FDI chiếm lĩnh thị trường năng lượng tái tạo: Rủi ro gì?

Chỉ riêng thiết bị điện tái tạo như pin mặt trời, tuabin gió... Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tổ chức tài chính Carbon Tracker trong báo cáo vừa công bố cho biết, Việt Nam có gần 24GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch. Trong số này, Carbon Tracker đánh giá tới 99% các dự án không khả thi trong điều kiện kinh doanh bình thường. 

Cũng theo tổ chức này, năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022.

Đồng tình với báo cáo của Carbon Tracker, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết đó là điều đương nhiên bởi liên quan đến nhiều yếu tố như nguồn nhiên liệu, xử lý môi trường.

Theo định hướng, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới, mà chỉ tiếp tục các dự án đang dang dở, hay những dự án đã thực hiện xúc tiến đầu tư tốt, nằm trong kế hoạch. 

"Nói cách khác, "đã đâm lao thì phải theo lao", với những dự án đã có thì phải chấp nhận và tiếp tục, còn những dự án điện than mới sẽ không có nữa. Bộ Công thương cũng như các nhà năng lượng Việt Nam không nghĩ đến chuyện tiếp tục phát triển mạnh nhiệt điện than nữa. Điều đó đã được khẳng định", ông nói.

Đối với năng lượng tái tạo, theo PGS.TS Lê Văn Doanh, thời gian qua Việt Nam đã phát triển quá nhanh, không  tương ứng với hạ tầng lưới điện. Cái khó của loại năng lượng này là không ổn định, lại xuất hiện ở thời điểm hệ thống lưới điện đang yếu. Do đó, cần phát triển năng lượng tái tạo đi đôi với các biện pháp khác, mà trước hết là vừa xây các dàn pin mặt trời, đồng thời có hệ thống tích điện.

Vị chuyên gia ghi nhận năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Nguyên nhân chính xuất phát từ giá mua điện ưu đãi Nhà nước đưa ra đối với các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến việc phát triển quá nóng các dự án điện tái tạo, nhất là điện mặt trời trong thời gian qua. Hiện cơ quan quản lý đã có sự điều chỉnh chính sách theo hướng: kêu gọi đầu tư vào nguồn điện năng lượng tái tạo song thay vì làm bằng mọi giá thì phải có sự thẩm định kỹ càng: làm ở đâu, công suất, công nghệ như thế nào...

Lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài  
Lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài  
 

Trước ý kiến cho rằng việc nhường sân chơi giàu tiềm năng như năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư ngoại là điều đáng tiếc, PGS.TS Lê Văn Doanh đặt câu hỏi: nhà đầu tư trong nước có gì trong tay? Ông cho biết, đa số nhà đầu tư trong nước tiềm lực tài chính yếu, công nghệ không có, chỉ tranh thủ cơ hội xin được dự án rồi bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài để hưởng chênh lệch.

"Tình trạng này một phần là do nhiều địa phương thoải mái cho xây dựng các trạm điện mặt trời, lấn chiếm đất rừng, đất nông nghiệp và cả đất ở của người dân. Nhưng họ lại không tính được hết rằng khi dự án làm xong, đi vào vận hành  thì tiêu thụ đi đâu, giải tỏa hay sử dụng thế nào...

Chính vì thế, sau thời gian đầu bị vỡ trận, hiện các địa phương đã tỉnh táo hơn và có nhiều giải pháp để hạn chế bớt những nhà đầu tư "tay không bắt giặc", ông Doanh cho biết.

Nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, song ông Doanh cũng lưu ý, ở đây chủ yếu là các công ty Trung Quốc. Riêng với điện mặt trời, Trung Quốc có nhiều ưu thế, họ có thể sản xuất pin giá rẻ và cũng đã xuất khẩu nhiều ra thế giới. Việt Nam là một thị trường tiềm năng, họ muốn ồ ạt xuất thiết bị làm điện tái  tạo sang Việt Nam, thế nhưng sau đó chúng phát huy thế nào thì không cần biết.

"Hầu như toàn bộ thiết bị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam phải nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước sản xuất được gì? Cho nên, chuyện phụ thuộc vào nước ngoài là đương nhiên", ông nói.

PGS.TS Lê Văn Doanh cũng lưu ý, nhà đầu  tư ngoại đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam, song mua được hay không, mua với giá thế nào, điều kiện khai thác ra sao... phụ  thuộc vào phía Việt Nam.

Riêng vấn đề môi trường, ông cho rằng quốc gia nào cũng phải suy nghĩ, song đó là vấn đề của 20-30 năm sau. Như pin mặt trời - đó là những tấm kính chịu áp lực làm bằng silic, không có nhiều chất độc hại. Chỉ có tỷ lệ rất nhỏ của cell là chất bán dẫn thì phải xử lý, song số lượng không đáng kể.

"Chúng ta không cần lo nhà đầu tư trong nước mất miếng bánh ngon, không có cơ hội cạnh tranh ở lĩnh vực năng lượng tái tạo bởi đây là cuộc cạnh tranh công bằng. Nhà đầu tư trong nước đã có ai sẵn sàng? Hay nhiều doanh nghiệp chỉ lợi dụng chính sách, chớp cơ hội để kiếm lời? Chưa kể, trong năng lượng tái tạo, phía Việt Nam hầu như không sản xuất được gì", ông nhấn mạnh.

Sau cùng, PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng, điều quan trọng là phải làm thế nào để đảm bảo trong những năm tới Việt Nam không thiếu điện. Muốn vậy, trong tương lai gần, Việt Nam có thể trông cậy vào các nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng.

"Việt Nam có nhiều tiềm năng về khí hóa lỏng ở ngoài khơi. Hơn nữa, công nghệ này Mỹ rất giỏi và họ cũng muốn đầu tư.

Trước mắt, nếu phía Việt Nam chưa khai thác được khí hóa lỏng thì những quốc gia vùng Vịnh hay Qatar, UAE sẵn sàng đầu tư.

Chúng ta cũng phải tính đến việc giá điện không cố định như hiện nay, mà sắp tới phải từng bước tăng dần. Hiện giá điện Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới, không khuyến khích cho sản xuất và tiết kiệm điện, không kích thích nhà đầu tư tham gia đầu tư", ông cho biết.

Thành Luân

Theo Đất Việt