Ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội dừng thi công: Lạ lùng
Việc này cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm triệt để. Không thể để tình trạng tiền ngân sách bị thiệt thòi theo cách như vậy.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tính đến tháng 8/2021, tiến độ tổng thể của dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội) đạt 74%, trong đó tiến độ đoạn trên cao (đoạn từ khu Depot - Nhổn tới ga S8 - Cầu Giấy đạt 89,4%).
Với khối lượng thi công này, đại diện MRB cho biết, chưa thể khẳng định chắc chắn tiến độ đưa vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và vận hành đoạn đi ngầm vào năm 2022.
Nguyên nhân được chỉ ra là do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc huy động nhân công, máy móc và chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn.
Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng khác nằm ở vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đại diện chủ đầu tư cho biết, không có mặt bằng sạch nên việc nhà thầu chọn dừng thi công dự án là để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên.
Bình luận thêm về việc này, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nói thẳng, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân "muôn thuở" gặp phải ở hầu hết các dự án đầu tư công của Việt Nam.
Việc xảy ra là do quá trình nghiên cứu, khảo sát, thực hiện dự án những dự báo về rủi ro đã không được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Điều này dẫn tới quá trình thi công mới phát sinh, xuất hiện hàng loạt những sự cố bất ngờ làm ảnh hưởng đến việc thi công, khiến dự án phải đột ngột dừng lại.
"Tôi thấy rất lạ là với những dự án quy mô, đầu tư lớn như vậy nhưng luôn luôn gặp phải những trục trặc bất ngờ kiểu như không giải phóng được mặt bằng, không có nhân công, máy móc... Đồng ý, dịch bệnh là một nguyên nhân nhưng ngay từ đầu công tác giải phóng mặt bằng đều phải được đặt lên bàn và có phương án rất kỹ", vị chuyên gia thắc mắc.
Dẫn chứng từ việc các nhà thầu tư nhân thực hiện dự án, ông khẳng định khâu giải phóng mặt bằng không phải là nguyên nhân không thể khắc phục tại các dự án đầu tư công.
Ông nói rõ, trong khi hầu hết các dự án đầu tư công đều vướng ở điểm này thì các nhà đầu tư tư nhân họ vẫn đang làm tốt. Đó là vì ngay từ đầu, cách tiếp cận của họ với dự án cũng khác. Tất cả những rủi ro về dự án đều được họ tính toán, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, nhất là những nguyên nhân có khả năng làm ảnh hưởng tới tiến độ, dòng tiền, chất lượng của dự án.
"Mọi rủi ro đều được nhà đầu tư tư nhân xác định kỹ lưỡng, đặt lên bàn và tìm ra lời giải rồi mới tiến hành thực hiện. Vì điều này, khi thực hiện dự án các nhà đầu tư tư nhân không mấy khi gặp khó khăn, làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.
Bởi họ hiểu rằng, nếu gặp phải những trục trặc như vậy khiến dự án phải kéo dài tiến độ, làm đội chi phí... thì những thiệt hại họ phải chịu còn lớn hơn nhiều lần những chi phí giải phóng mặt bằng, nhân công, máy móc ban đầu bỏ ra. Quan trọng nhất là những thiệt hại về uy tín và lòng tin đối với nhà đầu tư, khiến họ không thể làm bừa", vị chuyên gia nói.
PGS Trần Chủng nói thêm, những nguyên nhân nói ở trên không phải ở dự án này mới xảy ra. Ngay tại TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) và trước đó là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng bị chậm trễ, bị đòi bồi thường cũng vì nguyên nhân này.
Thậm chí TP.HCM còn đang bị liên danh nhà thầu thi công gói thầu số 2 (Sumitomo - Cienco 6) của tuyến metro số 1 kiện, đòi bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng so với cam kết trong hợp đồng, với số tiền lên đến 2,5 tỉ đồng/ngày.
"Lẽ ra, tình trạng trên phải chấm dứt ngay sau một dự án nhưng thực tế vẫn cứ diễn ra hết dự án này đến dự án khác là vì sao? Ai phải chịu trách nhiệm?
Tôi cho rằng, ở đây Ban quản lý dự án đầu tư công cũng phải thực hiện nghiêm, chặt các bước như dự án đầu tư tư nhân thì sẽ không có tình trạng dự án bị chậm, phải dừng vì những lý do "bất ngờ" vô lý.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm của Ban quản lý, khi có phát sinh những ý kiến, khó khăn của nhà thầu phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết, không thể để tình trạng ngâm tôm, kéo dài, khiến dự án phải dừng thi công.
Dự án phải dừng là ảnh hưởng nghiêm trọng tới tổng thể toàn dự án. Một ngày phải dừng là một ngày cả nhà đầu tư và nhà thầu đều phải chịu thiệt. Hơn nữa, khi phải dừng, nhà đầu tư còn có nguy cơ vướng phải những rắc rối trong kiện tụng, đền bù, gây thiệt hại cho ngân sách.
Đồng thời, khi bị kéo dài tiến độ dự án cũng gây ra những phiền phức, khó khăn, ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân và còn làm gián đoạn kế hoạch kết nối, phát triển kinh tế, xã hội chung của cả đất nước. Thiệt hại là rất lớn", PGS.TS Trần Chủng chỉ rõ.
Về góc độ trách nhiệm, theo vị chuyên gia, trước hết chính là đơn vị chủ đầu tư, mà trực tiếp là Ban quản lý dự án (đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý dự án) và họ phải thực hiện giải trình rõ và chịu trách nhiệm trong việc này. Kể cả trong việc đánh giá, dự báo các rủi ro có thể ảnh hưởng tới tiến độ thi công, nếu không làm được, cũng phải xem xét lại năng lực, trình độ của Ban quản lý dự án.
"Dự báo rủi ro và chuẩn bị lời giải cho các rủi ro đó là trách nhiệm của Ban quản lý dự án. Khi có được phương án, kế hoạch cụ thể như vậy sẽ không thể có tình trạng dự án thi công mới kêu vướng giải phóng mặt bằng, không bàn giao được mặt bằng nữa.
Cần phải đặt câu hỏi, vì sao các dự án tư nhân đều làm tốt mà dự án đầu tư công thì không? Tại sao cứ là dự án đầu tư công thì đều mắc căn bệnh: đội vốn và kéo dài dự án vô thời hạn. Rõ ràng có vấn đề về năng lực và trách nhiệm.
Việc này cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm triệt để. Không thể để tình trạng tiền ngân sách chịu thiệt thòi theo cách như vậy", ông Chủng nêu quan điểm.