'Gạch nối' trong xử lý chậm trả lãi, gốc trái phiếu
Không phải lúc nào việc bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu cũng khả thi và cần thiết, trong nhiều trường hợp, khi cho doanh nghiệp thời gian thì họ vẫn có thể trả nợ được cho trái chủ.
Sức ép lớn
Từ sau sự kiện Tân Hoàng Minh, cùng với việc chờ đợi nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh và xu hướng tiêu cực này tiếp tục diễn ra trong quý III/2022.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm tới 50,5% so với quý trước và giảm 70,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III, có 42 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 59.032 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm mạnh 51,7% so với quý trước và giảm 71,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý tiếp tục các ngân hàng do trái phiếu của nhóm này rất ít rủi ro nên không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự kiện Tân Hoàng Minh cũng như lo ngại về các quy định mới liên quan đến phát hành trái phiếu.
Cụ thể, 3 tổ chức có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý III là: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (6.867 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (6.600 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (4.210 tỷ đồng). Nhìn chung, Tài chính – Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất với 48.683 tỷ đồng, chiếm tới 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III.
Trong khi đó, nhóm ngành Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 8.091 tỷ đồng (giảm 45,9% so với quý trước và giảm tới 90,9% so với cùng kỳ năm ngoái). Các doanh nghiệp bất động sản có phát hành riêng lẻ nhiều nhất trong quý bao gồm: Công ty TNHH No Va Thảo Điền (2.300 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.285,6 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng).
Tập đoàn đa ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá trị phát hành riêng lẻ khi chỉ đạt 1.500 tỷ đồng (giảm 89,5% so với quý trước), chỉ có Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan phát hành trong quý này. Các ngành khác chiếm 1,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 758 tỷ đồng (giảm 94% so với quý trước).
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 248.603 tỷ đồng; trong đó giá trị phát hành của nhóm ngành Bất động sản giảm mạnh 67%, nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác giảm lần lượt 94,9% và 64,2%.
Một số liệu cũng rất đáng chú ý khác được Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nêu ra là lũy kế 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại tới 142.209 tỷ đồng trái phiếu, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Một chỉ báo khác cũng cho thấy sức ép lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đó là theo thống kê của VNDirect đối với các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 ở mức 58.840 tỷ đồng, giảm 9,1% so với quý III nhưng tăng tới 87,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, riêng nhóm ngành bất động sản dự kiến đáo hạn 20.071 tỷ đồng, mặc dù giảm 40,3% so với quý III nhưng lại tăng tới 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sức ép ngày càng lớn hơn khi mới đây, trong một động thái nhằm lành mạnh hóa thị trường vốn Việt Nam, ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.
“Gạch nối” trong xử lý chậm trả lãi, gốc trái phiếu
Không còn xa lạ, sau sự kiện Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư đã bước đầu “làm quen” với kịch bản doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu. Gần đây, Công ty Cổ phần VKC Holdings (HNX: VKC) cũng cho biết sẽ tạm hoãn việc thanh toán lãi lô trái phiếu VCKH2123001 (quy mô 200 tỷ đồng, phát hành ngày 9/9/2021, ngày thanh toán lãi ban đầu theo kế hoạch là 9/9/2022) do các sai phạm của HĐQT, Ban Tổng giám đốc tiền nhiệm đã làm thất thoát lớn tài sản, vì vậy công ty hiện tại đã mất khả năng thanh toán với các chủ nợ. Được biết, VKC từng dính dáng đến ông Đỗ Thành Nhân – người đã bị bắt để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ chế xử lý việc chậm trả lãi, gốc trái phiếu càng “nóng” lên khi xảy ra vụ việc gian dối phát hành, mua bán trái phiếu trái pháp luật liên quan đến tỷ phú Trương Mỹ Lan, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Điểm đáng khích lệ là Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã kẻ ra một “gạch nối” với Nghị định 153/2020/NĐ-CP để tạo cơ chế ứng xử với việc chậm trả lãi, gốc trái phiếu, đó là các quy định khá rõ ràng về quyền lực của trái chủ.
Cụ thể, theo Khoản 4, Điều 5 của Nghị định 65, nếu được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận và được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành trái phiếu thông qua, doanh nghiệp sẽ được phép thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bên cạnh khả năng quyết định việc doanh nghiệp có được phép thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu hay không, quyền lực của trái chủ còn được nâng lên khi theo Khoản 3, Điều 7, sẽ bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư nếu doanh nghiệp phát hành vi phạm phát luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng lại đang lưu hành trở nên chấp thuận;
Cùng với đó, sẽ bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư nếu doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
Ngoài ra, Nghị định 65 cũng quy định rõ về Đại diện người sở hữu trái phiếu và cơ chế thay đổi Đại diện người sở hữu trái phiếu (khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở nên chấp thuận).
Những quy định trên giúp tăng đáng kể khả năng và vị thế đàm phán của trái chủ với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu thì trái chủ có thể linh hoạt cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu, chẳng hạn giãn nợ; nhưng nếu doanh nghiệp sau một thời gian khắc phục vẫn tiếp tục không thể trả lãi, gốc trái phiếu (hành vi vi phạm phương án phát hành trái phiếu) thì trái chủ có thể bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu, là tiền đề cho các phương pháp xử lý mạnh tay hơn.
Cơ chế này là rất quan trọng bởi không phải lúc nào việc bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu cũng khả thi và cần thiết, trong nhiều trường hợp, khi cho doanh nghiệp thời gian thì họ vẫn có thể trả nợ được cho trái chủ (tương tự như trong ngành ngân hàng, rất nhiều khoản nợ quá hạn khi được giãn nợ, có cơ chế hỗ trợ thì ngân hàng sau đó vẫn thu được gốc, thậm chí thu được đầy đủ lãi). Quan trọng hơn, cơ chế này giúp ổn định tâm lý toàn thị trường, giảm thiểu mức độ “lan truyền” tâm lý rút trái phiếu trước hạn khiến các doanh nghiệp tốt cũng rơi vào cảnh khó khăn về thanh khoản.
Mặc dù các quy định trên vẫn còn có những lỗ hổng nhất định sẽ phát lộ khi triển khai thực tế, cần được tiếp tục hoàn thiện nhưng ít nhất, đã tạo ra một cơ chế để xử lý “mớ bòng bong” mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phải đối mặt.