Gần 9.000 hồ sơ đất tồn đọng: Cục Thuế không dám quyết, kiến nghị họp khẩn

Cục Thuế TP. HCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị UBND TP tổ chức cuộc họp để có hướng giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng từ 1/8/2024.

3 lần kiến nghị tháo gỡ

Đây là lần thứ ba trong hơn một tháng qua, Cục Thuế TP. HCM gửi văn bản đến UBND TP. HCM kiến nghị liên quan đến nội dung này.

Theo cơ quan này, các văn bản kiến nghị được gửi đi trước yêu cầu cấp thiết, cần phải tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khi giải quyết hồ sơ tồn đọng về đất đai kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

Kiến nghị gần 9.000 hồ sơ đất đai tồn đọng sẽ giải quyết theo bảng giá đất cũ (ảnh minh họa)
Kiến nghị gần 9.000 hồ sơ đất đai tồn đọng sẽ giải quyết theo bảng giá đất cũ (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 8/8, Cục Thuế đã có công văn 7825, báo cáo và kiến nghị về những bất cập, vướng mắc trong giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế khi áp dụng Quyết định số 02/2020 của UBND TP. HCM để giải quyết các trường hợp áp dụng bảng giá đất theo quy định tại Luật Đất đai mới.

Ngày 29/8, Cục Thuế tiếp tục gửi văn bản 8679, cho biết tính từ 1/8 đến 27/8 có 8.808 hồ sơ đất đai bị ách tắc tại cơ quan thuế, kiến nghị UBND TP. HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...). Để từ đó cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024.

Ngày 5/9, Cục Thuế TP. HCM có công văn 8835 đề xuất Tổng cục Thuế với việc giải quyết các hồ sơ nhà đất (chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận quà tặng) thuộc trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Hiện nay do thay đổi, vướng mắc liên quan đến bảng giá đất mà hồ sơ đất đai tồn đọng ở cơ quan thuế rất nhiều, khiến cho việc giao dịch, chuyển nhượng nhà đất của người dân bị ách tắc.

Tồn đọng hơn gần 9.000 hồ sơ

Theo Cục Thuế, UBND TP.HCM cần tổ chức cuộc họp để thống nhất việc áp dụng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất… làm cơ sở để cơ quan thuế kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Trong thời gian chờ ban hành bảng giá đất điều chỉnh, Cục Thuế kiến nghị những hồ sơ đất đai tiếp nhận từ ngày 1/8 thì áp dụng theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024.

Ngày 1/8 là thời điểm Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 103 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có hiệu lực. Tuy nhiên, do chưa có bảng giá đất điều chỉnh nên quá trình giải quyết hồ sơ đất đai tại cơ quan thuế phát sinh vướng mắc, bất cập.

Tính từ ngày 1- 27/8, Cục Thuế tiếp nhận 8.808 hồ sơ. Trong đó, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận; 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; 5.448 hồ sơ thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; 2.737 hồ sơ không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Liên quan đến các hồ sơ của người dân đang bị treo ở các chi cục thuế, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có nhiều kiến nghị nhằm hạn chế những tổn thất cho người dân.

Theo HoREA, đối với 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đề nghị Cục Thuế TP. HCM chỉ đạo các Chi cục Thuế giải quyết ngay vì các trường hợp này không phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ và tất cả các hồ sơ này đều không bị vướng về pháp lý.

Đối với 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản là do phải thực hiện quy định tại điều 17 Thông tư số 92/2015 (sửa đổi, bổ sung điều 12 Thông tư số 111/2013) của Bộ Tài chính; Với trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, UBND TP. HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên cơ quan thuế không dám giải quyết đối với các trường hợp trên đây và đã 2 lần có văn bản báo cáo lên UBND TP. HCM xin ý kiến.

Trần Lê

Theo Vietnamfinance