Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?
Theo dữ liệu của DKRA cho thấy giá căn hộ mới ở Đà Nẵng vẫn neo cao và tiếp đà tăng nhẹ. Giá sản phẩm cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hải Châu.
Giá trung bình 50 – 80 triệu đồng/m2
Trong báo cáo mới đây, Avison Young cho biết thị trường chung cư ở Đà Nẵng có giá bán sơ cấp trung bình 2.000-3.200 USD (khoảng 50-80 triệu đồng) mỗi m2. Mức này đã tăng 1-3% so với quý trước. Hãng dịch vụ bất động sản 45 tuổi của Canada đánh giá tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại Đà Nẵng tương đối ổn định, ở khoảng 50%.
Đáng chú ý, dữ liệu của DKRA cho thấy giá căn hộ mới ở Đà Nẵng vẫn neo cao và tiếp đà tăng nhẹ. Giá sản phẩm cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hải Châu. Nhiều dự án mở bán ở quận Sơn Trà hay Ngũ Hành Sơn cũng đã vượt 80 triệu đồng mỗi m2. Tại quận Liên Chiểu, căn hộ mới giá cao nhất gần 65 triệu đồng một m2.
DKRA cho biết lượng giao dịch tập trung ở phân khúc khoảng 50-65 triệu đồng mỗi m2, có pháp lý và tiến độ xây dựng rõ ràng. Các dự án ở quận Ngũ Hành Sơn có lượng tiêu thụ mới tốt hơn cả.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, đà tăng giá của chung cư Đà Nẵng do nhu cầu, chiến lược của chủ đầu tư và chi phí đầu tư tăng. Ông nói, thị trường căn hộ tại Đà Nẵng được thúc đẩy bởi tốc độ phát triển hạ tầng, kinh tế và du lịch. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư tham gia thị trường đều tập trung phát triển phân khúc cao cấp, ưu tiên tiện ích và thiết kế. Trong khi đó, chi phí đầu vào như giá vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể, kéo giá bán căn hộ tăng theo.
Tuy nhiên, giống như diễn biến tại Hà Nội và TP HCM, nguồn cung căn hộ Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm đầu năm nay. DKRA cho biết lượng căn hộ mở bán trong quý I hơn 1.300 căn, giảm 11% theo quý. Hơn một nửa nguồn cung mới nằm ở quận Ngũ Hành Sơn.
Theo các chuyên gia đánh giá hiện trạng nhiều dự án nhà ở tại Đà Nẵng vẫn còn dở dang, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung tại khu vực. Nguyên nhân chính là chủ đầu tư thiếu vốn, khó thu hút dòng tiền để hoàn thành xây dựng và đảm bảo lợi nhuận từ dự án. Cùng đó, ách tắc pháp lý liên quan phê duyệt dự án mới cũng khiến nguồn cung sụt giảm.
Dự báo nguồn cung tương lai, ông Trần Trọng Vũ, đồng sáng lập Công ty SPE.R, đơn vị nghiên cứu và khảo sát thị trường bất động sản miền Trung cho biết nhiều chủ đầu tư đang hoàn thành pháp lý nên có thể nguồn cung căn hộ sẽ cải thiện từ quý 3. Theo ông, nhu cầu nhà ở tại thành phố biển vẫn rất lớn với mức độ tăng dân số trung bình 2,5% mỗi năm.
Nguồn cầu ở thực này cũng là động lực lớn để hỗ trợ thị trường bất động sản Đà Nẵng, trong khi nhiều phân khúc khác như bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự, nhà phố còn khó khăn.
DKRA cũng dự báo phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới đưa ra thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp có thể tiếp đà tăng trước áp lực các chi phí đầu vào. Tuy nhiên chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, hỗ trợ ân hạn gốc lãi vay ngân hàng nhằm kích cầu.
"Thanh khoản thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp sẽ tiếp tục tăng so với cuối năm ngoái, song khó có đột biến trong ngắn hạn", đại diện DKRA đánh giá.
Căn hộ trung cấp sẽ trở thành “xu hướng”?
Từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) căn hộ tại Đà Nẵng đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều chủ đầu tư khởi động lại dự án sau khoảng thời gian dài quan sát và chờ đợi thời cơ. Dễ dàng nhìn thấy các khu vực trung tâm, ven sông Hàn hay trục đường biển, nhiều dự án thi công rầm rộ, thậm chí triển khai chiến dịch bán hàng.
Thực tế, Đà Nẵng là thành phố của trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển. Vì vậy khi nền kinh tế được phục hồi, du lịch ngày càng khởi sắc thì việc phát triển loại hình BĐS căn hộ là phù hợp với thực tế. Chưa kể, nhiều điểm mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành… đã giúp cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Hiện tại, giá BĐS Đà Nẵng vẫn được đánh giá là hấp dẫn so với các thành phố lớn khác như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Vì vậy, biên độ lợi nhuận trong thị trường BĐS tại Đà Nẵng vẫn ở mức khá tốt, điển hình các phân khúc nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với sự gia tăng về nguồn cung và cạnh tranh chất lượng sản phẩm, biên độ lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong thời gian tới.
Có một thực tế là xu hướng thị trường BĐS Đà Nẵng đang dần chuyển hướng sang các phân khúc tầm trung, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng an cư. Một số chủ đầu tư dự án đã và đang bắt đầu chọn lọc các vị trí xa trung tâm thành phố nhưng gần khu dân cư, cụm công nghiệp hay tổ hợp về giáo dục, công nghệ thông tin…, nơi tập trung lượng lớn cư dân trẻ tuổi và có thu nhập ổn định nhưng không quá cao.
Lý giải phân khúc căn hộ tầm trung sẽ được chú trọng trong thời gian tới, Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại đây cho rằng Đà Nẵng là thành phố trẻ nên có lượng khách hàng thu nhập trung bình và nhu cầu an cư lâu dài. Vì vậy sản phẩm hướng đến là có thể xa trung tâm thành phố nhưng đảm bảo chất lượng tương đối đi kèm mức giá phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua phần lớn các dự án tập trung khai thác giá trị nằm trung tâm thành phố, vị trí mặt biển để đáp ứng mục đích khai thác du lịch nghỉ dưỡng.
Chưa kể, tiềm lực tài chính là một yếu tố quan trọng và quyết định phần lớn thành công cho một dự án phân khúc tầm trung.
Bên cạnh đó, giá BĐS tại thành phố đã tăng lên đáng kể ở các khu vực trung tâm và ven biển. Nhiều chuyên gia cho rằng mức giá BĐS hiện đang ở mức khá cao so với thu nhập trung bình của người dân địa phương.
Với góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, với sự tập trung vào hệ thống đô thị, hạ tầng và dịch vụ, phát triển kinh tế đồng đều, Đà Nẵng đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
“Sự phát triển mạnh mẽ kéo theo tăng trưởng mạnh về nhu cầu nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp phục vụ nhóm thu nhập cao, chuyên gia, người nước ngoài, doanh nhân trẻ…”, ông Đính khẳng định.