Giá đất tại Hưng Yên, Thái Bình đang diễn biến thế nào trước khi sáp nhập?
Theo chủ trương sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ về "chung một nhà" và dự kiến lấy tên Hưng Yên, trung tâm hành chính cũng đặt tại Hưng Yên. Trước khi sáp nhập, giá đất tại hai tỉnh này đang có diễn biến như thế nào?
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nhiều biến động giá trước sáp nhập
Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu).
Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Theo danh sách dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 tỉnh, thành phố mới sau khi sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ "về chung nhà", lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Trước thông tin sáp nhập, Hưng Yên đã có sự biến động mạnh về giá bất động sản.
Theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là một trong những tỉnh nằm trong các khu vực có lượng người tìm kiếm bất động sản nhiều nhất trên nền tảng này. Trong đó, huyện Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố.
Những lô đất thuộc tuyến đường lớn, vị trí "vàng" tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), có lợi thế để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… mức giá đã tăng mạnh lên cao nhất là 150 triệu đồng/m2, trong khi mức giá rao bán cao nhất trong tháng 2/2025 là 126 triệu đồng/m2.
Cũng tại huyện này, những lô đất mặt tiền trên trục đường chính có thể kinh doanh khác đã tăng từ mức trung bình khoảng 42 triệu đồng/m2 (trong tháng 2/2025) lên 50 - 60 triệu đồng/m2.
Không chỉ Văn Giang, đất nền tại thành phố Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới. Một số đất kinh doanh tại các tuyến đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo cũng đã tăng giá rao bán cao hơn 5 - 10% so với tháng trước đó, ở mức 30 - 35 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, đất đấu giá tại Hưng Yên cũng có mức trúng cao ngất ngưởng. Cụ thể, phiên đấu giá ngày 15/3 tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên với 2.000 hồ sơ đăng ký đấu giá và có 500 khách hàng tham gia. Kết thúc phiên, thửa trúng cao nhất được định giá 56,2 triệu đồng/m2. Các thửa có vị trí đẹp nằm xung quanh có giá trúng dao động 52 - 56 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá đất tại Thái Bình cũng ghi nhận sự tăng giá về bất động sản, nhưng chủ yếu qua các phiên đấu giá đất. Theo khảo sát trên trang Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang dao động trong khoảng từ 4-25 triệu đồng/m2, con số này ghi nhận tăng 30,6% trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, giá rao bán này vẫn thấp hơn 59% so với giá rao bán cao nhất hồi tháng 10/2024 (61 triệu đồng/m2), thời đỉnh điểm của những chảo lửa đấu giá đất.
Như vậy, mức giá trúng đấu giá cao nhất gấp tới gần 13 lần so với giá rao bán trung bình, mức trúng đấu giá thấp nhất cũng gấp hơn 2 lần.
Theo bảng giá đất được tỉnh Thái Bình phê duyệt mới nhất áp dụng hết năm 2025 như sau: Khu vực thành phố Thái Bình, giá đất giao động từ 15-25 triệu đồng/m2; huyện Đông Hưng, giá đất trung bình từ 10-20 triệu đồng/m2; Tại huyện Tiền Hải, giá đất trung bình từ 8-15 triệu đồng/m2; vùng ngoại ô có giá từ 5-10 triệu đồng/m2...
Chuyên gia cảnh báo
Theo một số chuyên gia bất động sản, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành không chỉ có ý nghĩa trong giảm chi phí vận hành bộ máy nhà nước hay cải cách các thủ tục hành chính, mà còn là một cuộc cách mạng về phát triển đồng bộ và rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đó, hệ quy chiếu về giá bất động sản sẽ có phạm vi rộng hơn.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, trước đây, bất động sản của các huyện ở Hưng Yên chỉ so sánh với nhau, nhưng giả sử sau khi sáp nhập tỉnh với địa phương khác thì hệ quy chiếu sẽ là tổng thể các huyện gộp lại của cả hai tỉnh. Khi đó, giá đất ở Hưng Yên sẽ có thêm hệ quy chiếu ở huyện khác tại tỉnh sáp nhập cùng để so sánh. Các hệ quy chiếu bất động sản sẽ được mở rộng ở các tỉnh mới.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản liên quan đến vị trí địa lý và tính pháp lý vì vậy kế hoạch sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện với sự thay đổi về địa giới hành chính sẽ tác động đến thị trường.
"Sáp nhập tỉnh thường kéo theo làn sóng đầu tư hạ tầng, tạo cơ hội lớn cho bất động sản. Tuy nhiên, việc sáp nhập không chỉ làm cho giá bất động sản tăng mà có thể khiến một vài khu vực giảm hoặc giữ giá. Sự di chuyển dân số sẽ khiến khu vực trung tâm đắt hơn nhưng mức độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào quy hoạch và đầu tư hạ tầng", ông Điệp cho biết.
Ông Điệp cũng đưa ra ví dụ, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, trước đó, giá đất tại thị xã Hà Đông chỉ khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, nhưng sau đó, với sự phát triển của các tuyến đường như Lê Văn Lương kéo dài và metro Cát Linh - Hà Đông…, giá đã tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng bứt phá như Hà Đông. Tại một số khu vực như huyện Chương Mỹ giá đất chỉ tăng nhẹ rồi chững lại.
"Nhà đầu tư khi tham gia thị trường phải nắm bắt thông tin về mặt vĩ mô, chính trị, kinh tế. Đặc biệt, theo dõi sát thông tin quy hoạch từ cơ quan Nhà nước để đưa ra những quyết định không rủi ro, không nên đầu tư dựa trên tin đồn", ông Điệp nhấn mạnh.