Hưng Yên: Đầu tư 47.000 tỷ phục dựng Thương cảng Phố Hiến cổ rộng 1.700ha?

Tỉnh Hưng Yên vừa đề xuất thực hiện dự án phục dựng Phố Hiến cổ với kinh phí hơn 47 ngàn tỷ đồng trên diện tích xây dựng hơn 1.700ha.

Dự án "Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ” dự kiến được tỉnh Hưng Yên thực hiện trên địa bàn các phường Minh Khai, Hiền Nam, Lam Sơn, Hồng Châu và các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng, thành phố Hưng Yên.

Toàn bộ dự án được chia thành 4 phân khu chính, bao gồm:

Một góc Phố Hiến xưa. Ảnh: Tư liệu
Một góc Phố Hiến xưa. Ảnh: Tư liệu

Phân khu Phục Hiến (399,3 ha) gồm Tái hiện thương cảng quốc tế Phố Hiến xưa, kết hợp với không gian phố đi bộ đa văn hóa và kinh tế đêm.

Phân khu Lễ hội (427,5ha) gồm tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội nghị mang tính khu vực và quốc tế.

Phân khu Dịch vụ - Biểu diễn thực cảnh (467ha) gồm hông gian phục vụ du lịch, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực đặc sản. Phân khu sinh thái ven sông Hồng (415,1ha) gồm trải nghiệm nông nghiệp, nghỉ dưỡng và giáo dục sinh thái.

Ngoài ra, dự án còn phục dựng thương cảng Xích Đằng - biểu tượng giao thương một thời, và tái hiện 100 thuyền gỗ cổ hai tầng cùng 4.000 thuyền chèo tay từ các quốc gia từng giao thương tại Phố Hiến, phục vụ du lịch đường thủy.

Tổng mức đầu tư xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ dự kiến 47.241 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ ngân sách nhà nước trong giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cùng các nguồn vốn từ nhà đầu tư được lựa chọn.

Thời gian thực hiện trong 10 năm (từ 2025 - 2035).

Dự án còn được kỳ vọng tạo ra công ăn việc làm ổn định cho ít nhất 10.000 lao động địa phương, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng sống và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước thông qua nguồn thu từ du lịch và các hoạt động kinh tế phụ trợ.

Theo dự kiến, Hưng Yên sẽ xây dựng các không gian của Phố Hiến cổ, gồm: tái hiện không gian đô thị cổ Phố Hiến bao gồm quy hoạch, kiến trúc và không gian chức năng của thương cảng lớn nhất Việt Nam thế kỷ 16-17; phục dựng các di tích hiện hữu, khôi phục các công trình lịch sử đình, đền, chùa, nhà thờ cùng các công trình kiến trúc mang dấu ấn giao thoa văn hóa giữa người Việt và các cộng đồng thương nhân nước ngoài; lồng ghép giữa không gian đô thị cổ với cuộc sống đương đại, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và hiện đại, phục vụ mục tiêu khai thác và phát triển du lịch bền vững.

Phục dựng không gian giao thương quốc tế, tái hiện các ngôi nhà cổ, đặc trưng của Việt Nam và 12 quốc gia từng giao thương tại Phố Hiến; phục dựng thương cảng Xích Đằng; bảo tồn và phục dựng văn hóa giao thoa đa quốc gia.

Liên quan đến đề án này, ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2844 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp & Môi trường, Tư pháp khẩn trương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Hưng Yên. Các đơn vị phải đề xuất giải pháp cụ thể theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 1542 yêu cầu các Bộ liên quan có ý kiến về chủ trương dự án, nguồn vốn, ưu đãi đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, phòng chống ngập lụt và bảo vệ môi trường để tổng hợp trình Thủ tướng.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, Phố Hiến - thương cảng từng sầm uất bậc nhất Việt Nam thế kỷ 16-17 - là minh chứng cho một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động lịch sử, di sản quý giá này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Việc phục dựng Phố Hiến là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và mở ra hướng phát triển bền vững cho tỉnh Hưng Yên.

Tận dụng tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, Phố Hiến đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Sự đa dạng về kiến trúc, lễ hội và nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, hát trống quân là những "sản phẩm văn hóa" độc đáo có thể thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Hà Thạch

Theo Vietnamfinance