Gia Định Group: Từ phân xưởng giầy đến 'ông lớn' BĐS công nghiệp

Khởi sự từ một phân xưởng giầy nhỏ được thành lập vào năm 1989, hiện nay Gia Định Group được biết tới là một trong những “ông lớn” có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Đôi nét về Gia Định Group của đại gia Nguyễn Chí Trung

Công ty cổ phần Tập Đoàn Gia Định (Gia Định Group) là một doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, với thế mạnh chủ yếu là: Đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất giày dép và các ngành công nghiệp thuộc công nghiệp hỗ trợ.

Gia Định Group tiền thân là một phân xưởng giầy thành lập năm 1989 với khoảng 300 công nhân chuyên sản xuất và gia công giầy dép xuất khẩu. Tới năm 1999, Gia Định Group chuyển mình và phát triển thành Công ty TNHH Giày Gia Định với quy mô 3.000 công nhận.

Năm 2008, công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập Đoàn Gia Định. Đây cũng là cột mốc đánh dấu nhiều bước tiến của Gia Định Group khi công ty mở rộng các cơ sở sản xuất, các chi nhánh trải dài khắp các vùng Miền Đông, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư xây dựng cụm Công nghiệp Tam Lập Bình Dương và các cụm sản xuất An Phú, Tân Uyên tại Bình Dương.

Năm 2020, Gia Định Group tiếp tục mở rộng phát triển ngành nghề mới là điện năng lượng tái tạo và năm 2022 tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Đầu tư chi nhánh Gia Định Miền Bắc.

Gia Định Group: Từ phân xưởng giầy đến 'ông lớn' BĐS công nghiệp - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, Chủ tịch Tập Đoàn Gia Định là ông Nguyễn Chí Trung, đồng thời cũng một trong những cổ đông sáng lập công ty. Vốn điều lệ của công ty là 450 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu Hạnh, chức vụ Tổng giám đốc công ty.

Theo giới thiệu, trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cho thuê, Gia Định Group nổi bật với các dự án tiêu biểu như: Cụm nhà xưởng An Phú diện tích 20ha với 20 nhà xưởng cho thuê; Cụm nhà xưởng Tân Yên, tỉnh Bình Dương có quy mô 35ha với 30 nhà xưởng cho thuê.

Tiếp đó là Cụm công nghiệp Tâm Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với quy mô 200ha, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Hồ Sơn, nằm tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, quy mô 150ha (dự kiến bàn giao trong năm 2025).

Khởi đầu Gia Định chỉ là một phân xưởng nhỏ chuyên sản xuất giày dép với vài trăm công nhân, cho đến nay Gia Định Group đã khẳng định vị thế một doanh nghiệp tầm cỡ với các đối tác lớn như Vagabond, Nike, Adidas… Không dừng lại ở những thành quả đó, Gia Định Group đã luôn không ngừng phát triển ở những lĩnh vực khác như: năng lượng tái tạo, bất động sản,…

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Gia Định Group và Tập Đoàn SEP Hàn Quốc đã ký kết hợp tác quốc tế trung hòa Carbon (Net- Zero) nhằm đối phó sự biến đổi khí hậu toàn cầu tại Cụm công nghiệp Phú Giáo, tỉnh Bình Dương( dự kiến triển khai dự án điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất dự án khoảng 40 MWp và dự án điện sinh khối từ đốt rác với công suất hệ thống 1.5MWh).

Đáng chú ý, trong hoạt động điện năng lượng mặt trời, Gia Định Group từng thực hiện nhiều dự án lơn như: dự án điện mặt trời tại cụm nhà máy Tân Uyên – Bình Dương (15 MW), dự án điện mặt trời tại cụm nhà máy QL13, Hiệp Bình Phước – Thủ Đức (5MW), dự án điện mặt trời tại cụm nhà máy An Phú – Bình Dương (12MW), dự án điện gió Bạc Liêu (50MW).

Cùng với đó, Gia Định Group cũng là đơn vị lắp đặt dự án điện mặt trời áp mái cho nhiều đối tác tại các dự án như: dự án điện mặt trời tại Sóng Thần 3 (4MW), dự án điện mặt trời tại Kiên Giang (4MW), dự án điện mặt trời tại An Giang (2MW),…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, kể từ năm 2015, Gia Định Group đã triển khai mô hình trồng cao su lấy gỗ và mủ tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với diện tích 115ha. Trong tầm nhìn từ nay đến năm 2050, Gia Định Group triển khai mô hình nông nghiệp cao Lạng Sơn với diện tích 15ha.

Gia Định Group còn nổi danh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cho thuê
Gia Định Group còn nổi danh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cho thuê

Bức tranh tài chính Gia Định Group

Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2020 – 2022, Gia Định Group ghi nhận doanh thu thuần tăng giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 doanh thu thuần đạt hơn 210,4 tỷ đồng, sang năm 2021 doanh thu tăng gần 20% lên mức hơn 262,6 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, doanh thu thuần của công ty bất ngờ quay đầu giảm về mức hơn 253,7 tỷ đồng, giảm gần 9 tỷ đồng, tương đương giảm gần 3,4% so với năm trước đó.

Lợi nhuận gộp của Gia Định Group trong giai đoạn 2020 – 2022 có chiều hướng tăng trưởng theo chiều mũi tên. Cụ thể, năm 2020 công ty đạt lợi nhuận gộp hơn 24,5 tỷ đồng; năm 2021 tăng gấp 2,3 lần năm trước đó lên hơn 56,2 tỷ đồng.

Đà tăng trưởng tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi ghi nhận hơn 57,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với năm trước đó.

Kế thúc năm 2020, Gia Định Group ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 1,4 tỷ đồng; năm 2021 công ty có lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng tới 93,5% so với năm trước đó lên hơn 21,3 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 đạt hơn 23,7 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm trước đó.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, tổng tài sản của Gia Định Group liên tục gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 là 440,7 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 674,1 tỷ đồng (tăng 53% so với năm trước đó).

Bước sang năm 2022, tổng tài sản của công ty tiếp tục tăng lên 738,2 tỷ đồng, tăng hơn 64 tỷ đồng so với năm 2021. Như vậy, sau 3 năm tổng tài sản của Gia Định Group đã tăng gấp 1,7 lần.

Dữ liệu của VietnamFinance còn thể hiện, chiếm chủ yếu trong tổng tài sản của công ty là tài sản dài hạn. Theo đó, giai đoạn 2020 – 2022 con số này tương ứng lần lượt là: 397,7 tỷ đồng; 647 tỷ đồng và 678,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, tài sản ngắn hạn tương ứng lần lượt là: 43 tỷ đồng; 27,2 tỷ đồng và 59,6 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, Tổng nợ phải trả của Gia Định Group có nhiều biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 nợ phải trả của công ty ghi nhận 253,7 tỷ đồng; năm 2021 giảm nhẹ về mức hơn 215,8 tỷ đồng và năm 2022 lại tăng lên 255,5 tỷ đồng (tăng gần 40 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 18,4% so với năm 2021).

Vốn chủ sở hữu của Gia Định Group trong giai đoạn 2020 – 2022 liên tục gia tăng. Từ mức 187 tỷ đồng năm 2020, tăng lên 458,3 tỷ đồng vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên tới 482,7 tỷ đồng vào năm 2022. Như vậy, sau 3 năm vốn chủ sở hữu của công ty tăng gấp gần 2,6 lần.

Tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Gia Định Group trong năm 2020 là gấp 1,4 lần. Trong khi đó, hai năm 2021 và 2022 con số này là gấp 0,5 lần.

Minh Đức

Theo VietnamFinance